Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Gods Of Egypts sẽ là nỗ lực tạo ra loạt phim ăn khách tiếp theo của hãng LionGates sau khi loạt Hunger Games kết thúc. Và lựa chọn của họ là vùng đất của các vị thần: Ai Cập.
Lần gần nhất Hollywood thành công với thần thoại đất nước Pharaoh có lẽ là bộ ba Xác Ướp Ai Cập, kết thúc vào năm 2008. Nhưng bộ phim của đạo diễn Stephen Sommers chỉ mới chạm đến một phần nhỏ kho tàng thần thoại ở đất nước này. Gods Of Egypts, đúng như tên gọi, sẽ tập trung hơn vào các nhân vật hấp dẫn khán giả nhất: các vị thần.
Bộ đôi biên kịch Matt Sazama và Burk Sharpless viết kịch bản dựa trên cuộc chiến nổi tiếng giữa thần Seth và thần Horus, để giành quyền thống trị đất nước Ai Cập cổ đại giàu có. Tài tử Gerald Butler vào vai Seth, vị thần của bão tố và hỗn loạn, đại diện cho cái xấu và thường được gọi là Ác thần. Vai thần Horus, vị thần với gương mặt chim ưng tượng trưng cho ánh sáng, được giao cho nam diễn viên Đan Mạch Nikolaj Coster-Waldau.
Theo thần thoại, thần Seth đã chiến thắng sau trận chiến kịch liệt và móc đi đôi mắt của Horus – mắt phải đại diện cho mặt trời và mắt trái đại diện cho mặt trăng. Tàn phế, thần Horus không còn cách nào khác là bất lực để Seth làm vua Ai Cập. Nếu như theo truyện kể, Horus tự mình giành lại đôi mắt với sự giúp đỡ của thần thông thái Thoth và các vị thần khác, thì trong bộ phim này, vai trò đó được giao lại cho một người trần.
Tài tử điển trai từng xuất hiện trong Maleficent (2014) sẽ vào vai Bek, một tên trộm sẽ liều mình đánh cắp đôi mắt Horus và cứu lấy toàn thể Ai Cập. Dĩ nhiên, kèm theo đó là một câu chuyện tình lãng mạn với một cô gái tên Zaya, do Courtney Eaton thủ vai. Bek là ai? Mối quan hệ và thù hận của anh với Seth như thế nào? Và anh có những kỹ năng gì để chống lại một vị thần, khi chỉ là người trần mắt thịt? Đó là điều dành cho khán giả khám phá.
Điều duy nhất người xem cần lưu ý là Gods Of Egypt sẽ không hoàn toàn trung thành với các phiên bản thần thoại được kể lại. Đạo diễn Alex Proyas xác nhận rằng “không có sự kiện nào là thật” trong bộ phim mới này, nghĩa là các nhà biên kịch được toàn quyền sáng tạo để mang đến sự mới mẻ. Vì thế, nếu có các chi tiết bạn không thấy quen thuộc, không có nghĩa là đoàn làm phim thiếu tôn trọng đến nguyên bản.
Điều hấp dẫn nhất bộ phim mang đến, chắc chắn là ở phần hành động kỹ xảo thể hiện cuộc chiến giữa các vị thần quyền năng. Trong phim, Proyas lựa chọn họ sẽ hoàn toàn giống như con người ở “dạng bình thường”, nhưng sẽ thay đổi ở “dạng chiến đấu” với bề ngoài như các con robot khổng lồ. Theo diễn giải, các vị thần dạng người sẽ cao khoảng 2.7m và ở dạng chiến đấu là 3.7m, kèm theo áo giáp và các vũ khí thần thánh được sử dụng. Sẽ là một khám phá thú vị cho những khán giả có hiểu biết về thần thoại Ai Cập, vì rất nhiều linh vậy, hình ảnh biểu tượng sẽ được trang trí trên các bộ trang phục nhân vật.
Gods of Egypt đánh dấu là bộ phim đầu tiên được quay với dòng ống kính điện ảnh cao cấp mới Panavision Primo 70. Hầu hết các cảnh trong Gods of Egypt được quay tại sa mạc Úc thay vì sa mạc Sahara, một nơi khá nguy hiểm để quay. Tuy nhiên, sự khác biệt gần như được xóa nhòa bởi các hiệu ứng máy tính hiện đại. Ngoài ra, đây cũng là phim có đến 200 thành viên của đoàn từng tham gia Max Mad: Fury Road mùa hè 2015, từ diễn viên cho đến trợ lý và bộ phận kỹ xảo. Chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ vào chất lượng hình ảnh từng có ở Mad Max.
Đạo diễn cũng từng bày tỏ sự hài lòng về chất lượng hình ảnh của phim. “Chúng tôi đã sử dụng một số loại kỹ thuật mới, và kết quả là khá ngoạn mục,” ông nói. “Và tôi không phải là kiểu dễ dàng bị ấn tượng.” Đây cũng là lần trở lại sau 7 năm vắng bóng của ông từ sau Knowing, với sự tham gia của Nicholas Cage vào năm 2009.