Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
5 năm sau phần 2 có phần gây thất vọng, chú gấu trúc Po trở lại với một chuyến phiêu lưu mới trên hành trình trở thành Thần Long Đại Hiệp thực thụ. Và thương hiệu Kung Fu Panda chắc chắn sẽ trở nên vững vàng hơn sau bộ phim này.
Như đã được gợi mở ở cuối phần 2, Kung Fu Panda 3 sẽ hé lộ thân phận của Po, với sự xuất hiện của người cha ruột Lý Sơn. Sau màn hội ngộ “cảm động”, Lý dẫn Po đến ngôi làng Gấu trúc bí mật, nơi các đồng loại đáng yêu đang chờ đón. Nhưng Po chưa kịp vui mừng thì một kẻ thù mới mạnh mẽ đã xuất hiện. Đó là “trâu điên” Kai, kẻ thù lâu năm của Qui lão sư phụ, với dã tâm hủy diệt tất cả. Sư phụ Shifu và ngũ đại đệ tử không phải đối thủ, một lần nữa gánh nặng bảo vệ đặt lên vai Thần Long Đại Hiệp. Nhưng lần này, Po phải dùng đến sức mạnh tập thể, bằng cách… huấn luyện cả làng gấu trúc hiền lành thành chiến binh. Làm sao cậu thành công, khi không có chút tố chất “thầy giáo” nào?
Kung Fu Panda 3 trước hết là một tác phẩm vui nhộn “hết cỡ” đúng như chờ đợi. Hướng đến trẻ con và khán giả đại chúng, kịch bản của bộ đôi biên kịch quen thuộc Jonathan Aibel và Glenn Berger ngập đầy các chi tiết hài hước từ đầu chí cuối, nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ. Các đồng loại gấu trúc của Po, từ già đến trẻ, vô cùng đáng yêu với các tập tục lạ đời ngộ nghĩnh: Mỹ Mỹ dễ thương “tự nói tự làm”, ông chú gấu ôm mọi lúc mọi nơi, đám gấu con tham ăn nhưng đá cầu siêu đẳng… Đáng nói là những chi tiết tưởng như nhỏ bé này không hề bung ra thừa thãi, mà đều có dụng ý sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Khó có thể tìm được điểm gì để phàn nàn với bộ phim, từ chất hành động cho đến thông điệp. Khả dĩ nhất có thể là kẻ phản diện Kai khá mờ nhạt, nhưng đó vốn không phải trọng tâm của phim. Trận chiến của Po trong phần này không phải với kẻ thù, mà là với chính bản thân mình. Câu hỏi đặt ra cho Po, rất phù hợp với hoàn cảnh mồ côi bỗng nhiên gặp lại đồng loại ở phần này, đó là “Tôi là ai?” Là gấu trúc hay ngỗng? Là Thần Long Đại Hiệp hay một kẻ vụng về tham ăn? Là đệ tử học nghề hay sư phụ truyền dạy? Và làm thế nào để trở thành chính mình? Đó cũng là câu hỏi mà mỗi đứa trẻ phải tự hỏi trong quá trình trưởng thành. Câu trả lời cuối cùng luôn là “Chính mình”, nhưng hành trình để đến “Chính mình” không hề giống nhau. Với Po, đó là chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân và phát huy nó thành điểm mạnh, cũng như học được tinh thần đoàn kết. Dù có là Thần Long Đại Hiệp đi nữa cũng không thể chiến thắng một mình.
Kung Fu Panda 3 còn có một chủ đề đáng giá khác là tình cảm gia đình, Po bỗng nhiên có đến 2 ông bố. Tình cảnh gợi đến Daddy’s Home chiếu hồi đầu nằm. Gặp trắc trở không chỉ riêng mình Po, mà còn là bố “Ngỗng” nghèo khổ, khi bỗng nhiên bị một kẻ lạ mặt đến “cướp” mất con trai. Ông dĩ nhiên lo lắng và có những hành động ích kỷ. Nhưng những mâu thuẫn không hề nặng nề, vẫn nằm trong không khí tươi vui của phim và được giải quyết đầy nhân văn, mang đến những khoảnh khắc cảm động nhẹ nhàng.
Chất lượng đồ họa và phần âm nhạc cũng là điểm tiến bộ rất đáng khen. Nữ đạo diễn Hàn Quốc Jennifer Yuh Nelson tiếp tục cầm trịch, đồng chỉ đạo với hoạ sĩ người Ý Alessandro Carloni, vốn đã theo loạt phim từ những ngày đầu tiên. Với kinh phí rộng rãi 145 triệu đôla, họ đã chăm chút kỹ lưỡng để phần hình ảnh đạt hiệu quả cao nhất. Ngay ở cảnh đầu tiên ở “linh giới”, người xem sẽ choáng ngợp giữa một biển ánh sáng và màu sắc rực rỡ như sông ngân. Ngôi làng gấu trúc hiền hòa giữa rừng xanh cũng sẽ khiến nhiều khán giả xuýt xoa. Và ai có thể quên được hình ảnh Po và qui lão tiên sinh chèo thuyền trên sông ánh sáng, giữa những cánh đào mềm lả tả rơi trong không gian?
Sẽ không ai ngạc nhiên với phần âm nhạc bi tráng tuyệt vời trong phim, nếu biết rằng do nhạc sĩ hàng đầu Hollywood hiện nay Han Zimmer đảm nhiệm. Ông nổi tiếng nhất với các bộ phim hoành tráng “vượt giới hạn” của Christopher Nolan, và vẫn giữ được phong độ đỉnh cao cùng Kungfu Panda 3. Zimmer đã kết hợp với các nhạc sĩ tài năng Châu Á ở nhiều nhạc cụ khác nhau như dương cầm (Lang Lãng), vĩ cầm (Jian Wang), để tạo ra âm hưởng Châu Á đặc trưng. Có vài cảnh khá kích động nhờ âm nhạc hòa quyện tuyệt vời như khi Kai xuất hiện, và màn cao trào trong lốt “Thần Long” thực sự. Phần sountrack của phim sẽ là món quà thú vị cho người yêu nhạc.
Kung Fu Panda 3 đang trên đường trở thành bộ phim ăn khách nhất trong cả loạt, dễ hiểu với một tác phẩm mà mọi người, từ người lớn đến trẻ em, đều yêu mến. Các diễn viên cũ mới đều hoàn thành xuất sắc vai trò lồng tiếng, từ Jack Black cho đến Bryan Cranton. Một thông tin thú vị dành cho những người theo dõi bản phụ đề, đó là những đứa trẻ của cặp đôi Angelina Jolie-Brat Pitt cũng tham gia lồng tiếng cho các chú gấu trúc con, trong đó có một “chú gấu” mang trong mình dòng máu Việt. Bạn có biết là ai?