Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Cám: Phiên Bản Lạnh Gáy Chưa Từng Có Từ Cổ Tích Quen Thuộc!

[Review] Cám: Phiên Bản Lạnh Gáy Chưa Từng Có Từ Cổ Tích Quen Thuộc!

Làm mới một tác phẩm quá quen thuộc với người Việt Nam là điều không hề dễ. Tuy nhiên, nhà sản xuất Hoàng Quân, đạo diễn Trần Hữu Tấn và ekip Cám (2024) đã làm được.

Cám (2024) là dị bản kinh dị của Tấm Cám. Bình cũ mà rượu chẳng hề cũ.

Mở đầu bằng một truyền thuyết đáng sợ về Bạch Lão – kẻ khao khát trường sinh cùng lời nguyền quái ác nhắm đến gia tộc nhà Tấm Cám. Cứ mỗi mười năm, trưởng nam phải hiến tế phụ nữ. Thứ duy nhất cản được Bạch Lão là sợi dây chuyền đầu gà mà dòng tộc khổ công rèn đúc. Khổ nỗi, sợi dây chỉ bảo vệ cơ thể người đeo nhưng Bạch Lão vẫn có thể thao túng tâm trí họ.

Tương tự truyện cổ tích, mẹ Tấm mất sớm, bố Tấm lấy dì ghẻ rồi sinh ra Cám. Trớ trêu thay, Cám mang khuôn mặt xấu xí, trở thành nỗi xấu hổ cho cả nhà. Từ nhỏ, cô bé bị nhốt ở nhà sau. Cha ghét bỏ, mẹ vừa thương vừa hận, người hầu khinh miệt, mỗi Tấm và thằng Bờm đối xử tốt với Cám.

Khi Tấm Cám tới tuổi cập kê cũng là lúc thời hạn lời nguyền sắp trở lại…  

Sở hữu thế mạnh làm phim kinh dị “quen tay” từ Bắc Kim Thang, Chuyện Ma Gần Nhà, Kẻ Ăn Hồn, Tết Ở Làng Địa Ngục… nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn đã xây dựng cho Cám (2024) không khí rất liêu trai, ma mị…  

Đầu tư vào trang phục, nghiên cứu kĩ càng các nghi lễ thời xưa là điểm mạnh của ekip. Từ Tết Ở Làng Địa Ngục đến Kẻ Ăn Hồn đều được thực hiện chỉn chu và tỉ mỉ. Với phiên bản mới nhất về Tấm Cám, nhà sản xuất chọn bối cảnh vào đầu thế kỉ 19, cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, mạnh tay chi tiền vào lượng cổ phục cực lớn. Đoàn phim ghi hình dài ngày dưới thời tiết nắng gắt tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, có cảnh quy tụ 200-300 diễn viên.  Ngoài ra, phim còn tái hiện nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, cờ người, đấu vật… và lễ hội thả thiên đăng. 

Phần hóa trang cho Cám được chú trọng hàng đầu. Không hề qua loa sơ sài, vết sẹo của Cám được thực hiện cực kì chi tiết và tỉ mỉ. Đoàn phim tiết lộ, Lâm Thanh Mỹ sử dụng tận 19 tấm mặt nạ, mỗi tấm trị giá 2000$.

Từ “diễn viên nhí” lột xác thành “diễn viên” là quá trình khó khăn mà chẳng phải ai cũng làm nổi. Đã đóng nhiều phim chiếu rạp thể loại kinh dị như Đoạt Hồn, Bóng Đè… nhưng Lâm Thanh Mỹ trong lòng công chúng Việt Nam vốn quen thuộc qua hình ảnh trong trẻo dễ thương của Mận (Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh). Chính vì vậy, cô bé gây chú ý hàng đầu dàn diễn viên khi lần đầu hóa thân thành phản diện. Chưa hết, Cám còn vô cùng phức tạp với chuyển biến tâm lí, đấu tranh nội tâm trải suốt 122 phút.

Từ ánh mắt ngây thơ ban đầu, ánh mắt cô bé tối dần theo sự biến hóa của Cám. Nhân vật ấn tượng nhất sự nghiệp Lâm Thanh Mỹ tính tới nay!

Vài năm gần đây, Rima Thanh Vy dần trở thành cái tên quen thuộc nhờ Mười: Lời Nguyền Trở LạiThanh Sói. Lần này, cô “cân đẹp” tạo hình cổ trang và đưa lên màn ảnh rộng nàng Tấm hiền hòa, nhẹ nhàng, hết lòng yêu thương em gái. Trong vài phân đoạn mà Tấm cần thể hiện vẻ sắc sảo, Rima Thanh Vy cũng làm khán giả ấn tượng bởi ánh mắt sắc như dao cau cùng nụ cười lạnh sống lưng.

Khi vừa công bố tạo hình Cám (2024), Thúy Diễm được khen ngợi bởi vẻ xinh đẹp sắc sảo, rất hợp dì ghẻ. Cô chẳng hề thua kém “đả nữ” Ngô Thanh Vân của Tấm Cám Chuyện Chưa Kể. Thúy Diễm ít đất diễn nhưng vẫn thể hiện trọn vẹn người mẹ sở hữu nhiều cung bậc cảm xúc. So với các dì ghẻ khác, nhân vật này phức tạp đa chiều hơn hẳn. Bà vừa thương đứa con gái xấu xí vừa giận vì nó là nguyên nhân gây khổ đau.

Các diễn viên khác như Quốc Cường, Mai Thế Hiệp, Ngọc Hiệp, Hạnh Thúy, Trần Doãn Hoàng, Hải Nam… cũng sở hữu khoảnh khắc gây ấn tượng mạnh.

Dù nội dung biến tấu so với câu chuyện cổ tích người Việt thuộc nằm lòng, Cám (2024) vẫn còn những tình tiết quen thuộc như bắt tép, cá bống, lựa thóc, thử hài… khiến khán giả vừa quen vừa lạ. Tuy vậy, vì quá mải mê sáng tạo, đoạn kết phim bị đuối sức. Khác Tết Ở Làng Địa NgụcKẻ Ăn Hồn có tiểu thuyết gốc làm khung, Cám (2024) là kịch bản sáng tạo hoàn toàn nên đôi lúc gây khó hiểu.  

Đam mê thử thách và sáng tạo từ chất liệu dân gian, phim mới Cám (2024) thành công mang đến một sắc màu mới lạ trên màn ảnh rộng Việt Nam. Liệu rằng sau Cám, thế giới cổ tích giàu chất liệu của nước ta có được ekip Cám nói riêng và các nhà sản xuất phim khác nói chung khai thác? Hãy cùng chờ xem công chúng đón nhận Cám ra sao!