Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, phim chiếu rạp Đất Rừng Phương Nam (2023) mang đến cảm giác mới lạ chứ ít sử dụng tình tiết từ bản truyện hay bản phim truyền hình kinh điển Đất Phương Nam (1997).
So với bản gốc, cả chuyển thể Đất Rừng Phương Nam lẫn Đất Phương Nam đều tăng thêm phần bi kịch cho cuộc đời cậu bé An. An không lạc cả cha lẫn mẹ trong lúc sơ tán mà mẹ bị giặc Pháp sát hại còn cậu bé lưu lạc tha hương đi tìm cha.
An (Hạo Khang) ở Đất Rừng Phương Nam dường như may mắn hơn hẳn. An (1997) từng trải qua nhiều khoảnh khắc đơn độc, đúng như câu hát “Chú bé không gia đình, như chiếc lá xa lìa cành” – (Lời bài hát Chú Bé Đi Tìm Cha) khi lạc khỏi vòng tay bà Tám và chị Út Trong hay lúc gánh hát của thầy giáo Bảy bị bọn cường hào ám hại. An (2023) luôn được những người xung quanh che chở và bảo vệ. Vừa mất mẹ thì Út Lục Lâm (Tuấn Trần) dang tay, lạc mất anh Út thì lại có cha con ông Tiều (Tiến Luật) – bé Xinh (Bảo Ngọc) giúp chỗ nương náu. Chính vì vậy, khó thể lấy An (1997) làm thước đo. Hạo Khang diễn tròn vai cậu bé An non nớt, ngây thơ, hơi láu lỉnh và khác bản chuyển thể trước đó. Sở hữu gương mặt sáng màn ảnh, đây sẽ là một diễn viên nhí tiềm năng trên màn ảnh Việt Nam.
So với bé Xinh (1997), bé Xinh (2023) xuất hiện nhiều hơn. Giọng nói ngọt ngào và nụ cười tươi rói dễ dàng gây cảm tình ngay từ khoảnh khắc đầu “lên hình”. Bảo Ngọc diễn tốt, hoàn toàn không bị khớp khi đứng cùng “bạn diễn” kinh nghiệm đầy mình như Tiến Luật. Cô bé cũng tung hứng cùng Hạo Khang nhịp nhàng, giúp tình bạn giữa An – Xinh thêm sống động, dễ thương và cuốn hút. Đặc biệt, cảnh phim bé Xinh rưng rưng nước mắt gặp ông Tiều chắc chắn khiến người xem thương cảm.
Có ít đất diễn nhất bộ ba diễn viên nhí, Cò (Đỗ Kỳ Phong) mờ nhạt đáng tiếc vì kịch bản Đất Rừng Phương Nam (2023) chưa dành cho cậu bé con ông Ba bắt rắn đất phát triển như bản truyền hình. Tuy vậy, cậu nhóc vẫn kịp “ghi điểm” bởi vẻ lí lắc, nghịch ngợm.
Là một trong những cái tên bị công chúng nghi ngờ thực lực khi tham gia vào dự án làm lại phim hay Đất Phương Nam, Tuấn Trần có màn trình diễn đáng khen. Chẳng còn là cậu thanh niên Quắn bốc đồng (Bố Già), anh hóa thân thành gã móc túi Út Lục Lâm hài hước, tếu táo. Cũng như bản truyền hình, dăm ba màn trộm gà bắt chó vừa đủ để khán giả cười xòa nhưng chưa đến mức ghét bỏ. Dẫu vậy, ở vài phân đoạn, khả năng trộm đồ của nhân vật dường như đẩy lên quá so với hình tượng gã móc túi lang thang khắp Nam Kỳ Lục tỉnh.
Khả năng diễn xuất đã được công nhận qua hàng loạt tác phẩm từ sân khấu, truyền hình lẫn điện ảnh, người mẹ trong Đất Rừng Phương Nam là bài toán quá dễ dàng với ngôi sao thực lực như diễn viên Hồng Ánh. Chỉ xuất hiện đoạn đầu phim, Hồng Ánh dễ dàng gây ấn tượng mạnh bởi hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên cường, thông minh và chẳng tiếc mạng sống bảo vệ con mình. Ở bản truyền hình, đây cũng là vai để đời của NSND Thanh Vy, dẫu thời lượng lên hình rất ngắn.
Tựu trung, dù chưa thể vượt qua cái bóng Đất Phương Nam kinh điển, dàn diễn viên Đất Rừng Phương Nam như Hứa Vĩ Văn, Huỳnh Đông, Băng Di, Trấn Thành, NSƯT Công Ninh… đều thể hiện tròn vai và mang cho nhân vật sức sống mới trên màn ảnh rộng.
Đất Rừng Phương Nam là dự án lớn, mất tận hai lần mua bản quyền. Chính vì vậy, có thể nói, độ “chịu chi” của nhà sản xuất không hề thua kém tác phẩm điện ảnh Việt Nam nào. Ekip rong ruổi qua nhiều tỉnh thành, đóng tàu bè phục vụ phân cảnh chợ nổi hoành tráng và tỉ mỉ 9 tháng hậu kì để “khoe” loạt thước phim đẹp nhất, chỉn chu nhất đúng chất “Đất Rừng Phương Nam”. Nhạc phim kinh điển được làm mới lại qua bàn tay nhạc sĩ Đức Trí và giọng ca NSƯT Trọng Phúc mang đến cảm giác vừa lạ vừa quen và xứng tầm.
Dẫu vậy, việc đưa một cái tên kinh điển lên màn ảnh rộng đâu thể tránh khỏi hàng loạt thiếu sót. Đặc biệt là khâu kịch bản – vốn luôn là điểm yếu của nền phim ảnh nước ta. Dù vẫn còn nhiều chi tiết dường như dành cho các phần sau, việc gói gọn hành trình bé An phiêu bạt trong 110 phút dễ khiến khán giả hụt hẫng. Vài phân đoạn sử dụng từ ngữ hiện đại hoặc lạm dụng tình tiết hài cần được xử lí tinh tế hơn.
Mong rằng, ekip sẽ rút kinh nghiệm từ những lỗi sai ở Đất Rừng Phương Nam (2023) và hoàn thiện hơn ở phần phim mới tiếp theo, để tiểu thuyết huyền thoại Đất Rừng Phương Nam tiếp tục sức sống lâu bền giữa nền phim ảnh Việt Nam.