Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Em và Trịnh: Chỉn Chu Cho Một Huyền Thoại

[Review] Em và Trịnh: Chỉn Chu Cho Một Huyền Thoại

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi”

Đời người có bao nhiêu lần thực sự hạnh phúc, nếu đã vốn là hạt bụi trên cõi bất ổn thì cớ gì sao lại không tận hưởng một kiếp rong chơi cho trọn thanh xuân.

Từng có ý kiến cho rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một con người vĩ đại, sáng tác của ông không đơn thuần chỉ đến từ cảm hứng và những nốt nhạc tình tang. Mỗi ca khúc đều chất chứa tiếng lòng của cõi tạm, phảng phất sự giác ngộ bởi bậc hiền triết và điểm tô vào đấy chút dư âm thuộc về tôn giáo.

Sự độc đáo của Trịnh Công Sơn đến trong từng lời ca, lan tỏa vào tâm trí bằng thứ ca từ chân phương, mộc mạc nhưng đi sâu vào tâm hồn. Có lẽ sự đa cảm ấy đôi lúc vô tình phác thảo lên chân dung một con người có vẻ ngoài điềm đạm, u sầu. Nhưng nào có ngờ, thực tế ông lại là lãng tử cuốn hút theo cách kỳ lạ. Phải chăng do đắm chìm với nghệ thuật, nên ông thường đối đãi những thân phận đang tồn tại ngoài kia thật tình tứ.

Trịnh Công Sơn thuở đôi mươi đã từng viết tình ca. Nghe kể có rất nhiều giai thoại xoay quanh chuyện tình của ông và các “nàng thơ”. Dùng từ ám chỉ số nhiều là vì nếu chỉ bằng đôi ba dòng tóm tắt, quả thực sẽ vô cùng thiếu sót khi muốn kể về mối tình của ông.

Như để giải đáp thắc mắc cho những ai chưa rõ, Em và Trịnh ra mắt tại các rạp chiếu phim nhằm mục đích đem tới cho tất cả một khía cạnh nào đó ở Trịnh Công Sơn mà hiếm người biết đến, được trải dài từ thời niên thiếu cho đến khi đã vào tuổi ngũ tuần.

Phim tái hiện lại hàng loạt cột mốc đáng nhớ trong đời vị nhạc sĩ đáng kính. Bắt đầu bằng cuộc trò chuyện giữa Trịnh Công Sơn và cô nữ sinh Nhật Bản Michiko, vòng quay thời gian bắt đầu trở về quá khứ. Đấy là lần đầu tiên khi danh ca Thanh Thúy cất tiếng hát vang Ướt Mi tại phòng trà ở Sài Gòn. Rồi sau đấy trên màn ảnh hiện lên vẻ yêu kiều của nàng Ngô Vũ Bích Diễm dưới cơn mưa rào xứ Huế. Những rung động nồng nàn rồi thoáng qua ấy dẫn dắt người xem lạc vào Diễm Xưa.

“….Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động

Làm sao em biết bia đá không đau

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”

Có thể do mỗi cơn mưa là một điều biến động, thế nên chàng lại động lòng trước vẻ tinh khôi, hoạt bát của Dao Ánh.

Đã có hơn 300 bức thư tình được Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh. Chưa cần tò mò nội dung bên trong, chỉ riêng con số vô tri kia cũng tạo được ấn tượng về tình cảm giữa hai người. Thật đẹp và để lại nhiều nuối tiếc.

“Màu nắng hay là màu mắt em

Mùa thu mưa bay cho tay mềm

Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm

Rồi có hôm nào mây bay lên…”

Khi thảo luận về Trịnh Công Sơn thì phần còn lại hẳn sẽ luôn nhắc đến Khánh Ly. “Nữ hoàng chân đất” vào cái hôm gặp ông thì vẫn chỉ là cô ca sĩ không tên tuổi, hằng đêm hát tại một vũ trường nhỏ. Ấy vậy mà chất giọng bạch thanh theo bản năng kia lại mê hoặc người nhạc sĩ họ Trịnh. Cả hai mới gặp mà lại vô cùng ăn ý với nhau mỗi khi bàn đến âm nhạc, thế là cặp đôi Trịnh Công Sơn – Khánh Ly từ vô danh trở nên nổi tiếng khắp đất Sài Gòn. Hợp nhau là thế, nhưng có lẽ với họ chỉ nên dùng từ tri kỷ để miêu tả là chính xác nhất.

Em và Trịnh có nội dung được kể theo lối phi tuyến tính, các mốc thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Bằng phương pháp này, đạo diễn như mở ra từng cánh cửa khác nhau để khán giả thỏa sức du hành vào thế giới chứa đầy hoài niệm về vị nhạc sĩ tài ba. Tại đây mỗi khung hình đẹp như một bức tranh. Khiến cho bất kỳ ai cũng mong muốn một lần được sống trong cái thời khắc ấy, được tận mắt chứng kiến vẻ hoa lệ của Huế mộng mơ, nét hoài cổ nhưng ấm áp của vùng Đà Lạt và cả sự biến động thời cuộc của một Sài Gòn hoa lệ.

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn từng được xem như lời thách thức đầy chống đối với hiện thực tàn khốc mà chiến tranh mang lại. Khi mà hòa bình có lúc bị xem là thứ ngoài vòng pháp luật, thì ông đã mang nó vào trong tiếng hát của mình. Ông cam kết với đất nước theo cách riêng, thực hiện chúng với trách nhiệm công dân cùng với tấm lòng và tài năng.

Nếu bối cảnh chỉn chu được ekip dày công nghiên cứu tỉ mỉ để tạo nên một Em và Trịnh hoàn mĩ, thì âm nhạc có thể được xem là tiếng nói linh hồn của thước phim. Vẫn là “Ta Thấy Gì Trong Đêm Nay”, vẫn là “Tuổi Đá Buồn”, vẫn là “Cho Đời Chút Ơn”, tuy vang lên dưới nền hòa âm phối khí mới, giai điệu mang hơi thở hợp thời đại hơn nhưng vẫn giữ được chất riêng của nhạc Trịnh.

Có thể vẫn còn đâu đó điểm chưa hoàn hảo, sự vụng về trong cách kể chuyện hoặc diễn xuất có phần non nớt của dàn diễn viên. Việc khắc họa chân dung của người nhạc sĩ tuy còn nhiều khiếm khuyết, nhưng nhìn chung Em và Trịnh vẫn là một cuốn phim hay. Vừa đủ để chạm đến trái tim của không chỉ người hâm mộ lâu năm, mà bao gồm cả các vị khách lần đầu tìm hiểu về Trịnh Công Sơn.