Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Gia Đình Croods: Kỷ Nguyên Mới – Vui Nhộn Nhưng Sâu Sắc Và Nữ Quyền Không Hề “Sượng”

[Review] Gia Đình Croods: Kỷ Nguyên Mới – Vui Nhộn Nhưng Sâu Sắc Và Nữ Quyền Không Hề “Sượng”

Tình huống hài hước, thông điệp nhân văn, đề cao nữ quyền…, nội dung của Gia Đình Croods: Kỷ Nguyên Mới có thể tóm tắt bằng những yếu tố vừa được liệt kê.

Đã bảy năm kể từ sau thành công rực rỡ của The Croods (2013), lần này nhà Croods quay trở lại với chuyến phiêu lưu mới đầy hấp dẫn và không kém phần “lầy lội”.

Những gì vốn từng ghi điểm với khán giả ở phần một đã tiếp tục phát huy tối đa trong lần trở lại này. Vẫn là thế giới tiền sử đầy hoang sơ, nguy hiểm từ những loài sinh vật lạ rình rập khắp nơi, thế nhưng toàn bộ thời lượng phim lại đem đến các gam màu tươi sáng, rực rỡ.

Ở phần phim mới, ngoài gia đình Croods thân quen, người xem được biết đến một gia đình có cái tên khá kiêu ngạo “Betterman” (gia đình Người Tốt Hơn). Các thành viên của nhà Betterman gồm có cặp vợ chồng Hy – Vọng (Hope – Phil), cùng cô con gái Bình Minh (Dawn). Họ từng là hàng xóm cũ của bố mẹ Guy, thế nên khi cả hai gia đình chạm mặt đã dẫn đến nhiều sự việc dở khóc dở cười.

Trong khi nhà Croods đại diện cho những điều thuần khiết và hoang dại nhất, thì phía hộ Betterman lại là những cá thể có phần “thượng đẳng” hơn. Họ tiến bộ không chỉ ở lối tư duy, cốt cách con người, mà ngay cả căn nhà cũng được Phil thiết kế như một khu nghỉ dưỡng 5 sao sang trọng. Đầy đủ tiện nghi, thân thiện với môi trường, hiện đại bậc nhất thời kỳ đồ đá.

Hiển nhiên nghe qua cũng dễ dàng nhận ra được sự khác biệt giữa hai bên gia đình, điều này dẫn đến mâu thuẫn để rồi từ đấy đặt ra hàng loạt thử thách để các nhân vật chỉ còn cách đoàn kết với nhau giải quyết tất cả.

Câu chuyện của The Croods 2 mang hơi thở thời đại, lồng ghép nhiều ẩn dụ nhằm phê phán chính những con người trong xã hội ngày nay. Cậu con trai Thunk của nhà Croods lúc thì trở nên thụ động, chỉ biết đắm chìm vào cảnh quang thiên nhiên thông qua ô cửa sổ lớn mà không chịu bước ra ngoài khám phá để có những trải nghiệm tuyệt hơn. Khi thì cầm trên tay khung gỗ nhỏ, nhìn qua đấy và tự tưởng tượng đấy như ô cửa sổ di động để cậu tiếp tục quan sát mọi thứ.

Cửa sổ rộng lớn hay khung gỗ nhỏ mang dáng dấp của chiếc TV và những chiếc điện thoại thông minh, Ipad…. Trẻ nhỏ thời hiện đại dường như cũng đang quá lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, dần dần quên đi mất thế giới rộng lớn bên ngoài vẫn còn nhiều điều đáng để học tập.

Đã là bố mẹ, ai cũng dành tình yêu thương vô bờ bến dành cho con mình. Thế nhưng đôi khi chính sự bảo bọc quá mức ấy cũng chưa hẳn là tốt cho đứa trẻ. Tưởng như cô bé Dawn sống trong một mái ấm hoàn hảo mà ông bố Phil Betterman của mình tạo ra sẽ thật vui vẻ. Nhưng không, khu nhà rộng lớn ấy thực chất chẳng khác gì một cái hang của người tiền sử, một vùng an toàn mà Dawn đã quá chán ngấy. Thậm chí cô bé sẵn sàng mong muốn có được những “vết sẹo”, như để thể hiện một niềm tự hào khi đã được tận hưởng những điều thú vị bên ngoài bức tường của ngôi nhà.

Các ông bố hay bà mẹ tuy có vài hành động không đáng ủng hộ, nhưng vốn dĩ cũng không thể trách họ. Người xem hẳn sẽ cảm thông hơn sau khi thấu hiểu nỗi niềm của bậc phụ huynh, dù là ở bất cứ thời đại nào thì cha mẹ chỉ muốn đem đến những thứ tốt đẹp nhất cho con của họ.

Nơi nào có ánh sáng thì chỗ đấy sẽ là đường dẫn đến ngày mai tươi đẹp hơn. Thế nhưng đôi lúc những điều tốt đẹp mà con người luôn ra sức tìm kiếm, vốn đã hiện hữu ở cạnh họ ngay trong thời khắc hiện tại. Đây cũng chính là thứ giá trị mà Guy đã nhận ra, khi trải qua nhiều biến cố cuộc đời. Đã có tình thân gia đình thì ắt hẳn cần nhắc đến tình cảm đôi lứa. Chàng trai Guy và cô nàng Eep cũng để lại ấn tượng bằng bữa đại tiệc tình yêu tuổi mới lớn “sến tới bến”, đúng với tuyên ngôn  “yêu nhau chỉ cần nhìn nhau cũng đủ no”.

Thật vậy, những rung động đầu đời đầy yêu, nét hờn dỗi vì sự hiểu lầm vô cùng trẻ con vô cùng gần gũi, chân thật. Đặc biệt màn cầu hôn “bá đạo” và những câu nói tưởng chừng sáo rỗng của Guy lẫn Eep đủ khiến chúng ta phải suy ngẫm về cách nhìn nhận yêu thương đúng nghĩa.

Đặc biệt nhất chính là yếu tố nữ quyền, đây có lẽ là phần chiếm trọn “spotlight” ở trường đoạn cuối phim. Điều đáng khen ở đây chính là biên kịch đã vô cùng khéo léo khi cài cắm chi tiết mang tính thời đại vào, không hề gây cảm giác gượng ép khiên cưỡng. Thay vì bố trí theo tính chất sắp đặt, “nữ quyền” xuất hiện theo cách bất ngờ nhất, đem lại cảm giác phấn khích và khi kết thúc cũng làm tất cả phải trầm trồ thán phục.

Ngoài ra “Hội Chị Em Sấm Sét” hay “Băng Anh Em Cây Chuối” sẽ còn đem đến nhiều tiếng cười đầy sảng khoái, đi kèm đó theo là những giây phút lắng đọng thật sự đầy ý nghĩa.

Năm 2013, The Croods quy tụ dàn lồng tiếng gồm những ngôi sao hạng A của Hollywood như Nicolas Cage, Emma Stone, Ryan Reynolds, Catherine Keener, tác phẩm đã nhận đề cử Oscar ở hạng mục Phim Hoạt Hình Xuất Sắc. Ở lần hội ngộ này, ngoài sự quay trở lại của các gương mặt cũ thì còn có sự góp giọng của Leslie Man, Peter Dinklage và nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Trần.

Gia Đình Croods: Kỷ Nguyên Mới đã ra mắt tại các rạp chiếu phim từ ngày 27.11.2020.