Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Indiana Jones And The Dial Of Destiny: Tạm Biệt Tiến Sĩ Jones Vĩ Đại

[Review] Indiana Jones And The Dial Of Destiny: Tạm Biệt Tiến Sĩ Jones Vĩ Đại

Hơn 40 năm trước, George Lucas nảy ra ý tưởng về một người hùng mang dáng dấp của các tay cao bồi cổ điển, đam mê khám phá tìm tòi và sẵn sàng liều lĩnh đối đầu cái ác. Có thể xem đấy là sự phá cách từ hình mẫu những tay súng trong dòng phim Noir ở thập niên 30-40. Bản thân Steven Spielberg lại muốn làm phim về James Bond, thế rồi ông bạn Lucas đến và nói những chuyện liên quan đến kho báu, hành trình, khảo cổ, viễn tưởng…v…v..

Vậy là cả hai quyết định bắt tay phát triển cho ra đời Indiana Smith. Không lầm đâu, thuở ban đầu nhân vật chính sẽ là vị tiến sĩ uyên bác tên Smith, nhưng có lẽ cái tên Indiana Jones rõ ràng mang sức nặng và gây ấn tượng hơn. À, kể cả “Indiana” vốn cũng là cách George Lucas gọi chú cún cưng mà ông nuôi. Chi tiết này từng được giáo sư Henry Jones (Sean Connery) – tức bố của Indiana Jones nhắc đến trong Indiana Jones And The Last Crusade.

Năm 1981, Indiana Jones And The Raiders Of The Lost Ark dưới bàn tay chỉ đạo của Steven Spielberg ra mắt tại các rạp chiếu phim, không những thành công về mặt thương mại, tác phẩm còn giành về 4 tượng vàng Oscar danh giá. Harrison Ford sau khi tỏa sáng với vai Han Solo trong Star Wars, thì lại ghi dấu ấn với công chúng nhờ màn hóa thân xuất sắc thành Tiến sĩ Jones đa tài quyến rũ.

Khi nhận thấy đám đông đang rất ái mộ Indy, đạo diễn Steven Spielberg tiến hành phần tiếp theo Indiana Jones And The Temple Of Doom (1984). Lần này đồng hành cũng Indiana Jones là nhóc Short Round (Quan Kế Huy) – trợ tá đắc lực ăn ý của ông. Phim tiếp tục nhận được sự yêu mến từ khắp nơi, đặc biệt vai diễn của Quan Kế Huy không chỉ truyền cảm hứng cho đám trẻ con ngày ấy, còn là niềm vinh dự của Châu Á khi có đại diện góp mặt trong bom tấn tầm cỡ như thế.

Đến phần phim Indiana Jones And The Last Crusade (1989), người xem lần đầu làm quen với thân phụ của Tiến sĩ Jones – giáo sư Henry Jones. Hóa ra kiến thức và niềm đam mê cổ vật của Indy là di truyền, tất nhiên Henry có phần lịch thiệp nho nhã hơn cậu con trai gai góc của mình.

Cả 3 phim về Indiana Jones được xem như tượng đài của dòng phim hành động phiêu lưu viễn tưởng. Sức ảnh hưởng của Indiana Jones lan mạnh tới mức được xem như là hình tượng gắn liền với văn hóa đại chúng Mỹ.

Đến năm 2008, Tiến sĩ Indiana Jones lại đội nón phớt và cầm roi da tái xuất màn ảnh thông qua Indiana Jones And The Kingdom Of The Crystal Skull. Phim vẫn đạt doanh thu khả quan, sự mến mộ của mọi người dành cho Indy không hề giảm đi tí nào. Khi ấy bắt đầu có những suy nghĩ, liệu rằng Indy có người kế thừa không, vị Tiến sĩ kia khi nào nghỉ hưu? Mọi thứ đều mơ hồ, nhưng tất cả đều ngầm hiểu rằng Indiana Jones And The Kingdom Of The Crystal Skull đồng nghĩa với việc kết thúc chặng đường của Indy.

Yên tâm, Tiến sĩ Jones sẽ không lẳng lặng không chào mà biệt. Indiana Jones And The Dial Of Destiny mới chính là món quà tạm biệt và tri ân dành cho người hâm mộ.

Lần này Indy tiếp tục đối đầu với quân Phát Xít, hay nói chính xác hơn là ông “đi cướp” để đòi lại những món đồ với lý do quen thuộc: vì chúng vốn thuộc về Viện Bảo Tàng.

Sau khi chạm trán nảy lửa với quân Đức, Indy bắt gặp tiến sĩ Voller – người đang giữ trong tay vòng quay Antikythera, món đồ cổ thuộc về nhà toán học Archimedes. Indy và đồng sự của mình tiện tay đoạt luôn Antikythera, từ đây châm ngòi cho ân oán giữa Indiana Jones và Voller.

Nhiều năm sau, lúc này Tiến sĩ Jones đã gác lại thời tung hoành của mình, trở thành vị giáo sư già sống cô đơn và chính thức nghỉ hưu. Ông gặp lại Helena – cô con gái nuôi thông minh lém lỉnh. Tưởng như đây sẽ là cuộc trùng phùng viên mãn, nhưng không. Helena dò hỏi Indy về cỗ máy Antikythera ngày ấy, rồi “mượn” luôn để đem đi bán đấu giá. Tất nhiên rất khó để cô qua mặt một ông già “lão làng” như Indy. Tuy vậy, rắc rối thêm chồng chất khi Voller một lần nữa xuất hiện quyết tâm lấy lại vòng quay kia. Mục đích thật sự của gã chính là giải mã bí ẩn về khả năng du hành thời gian của Antikythera. Lần này Indy vô tình bị cuốn vào tình thế nguy hiểm, bắt buộc ông phải trổ tài để chứng minh Indiana Jones không dễ bị bắt nạt!

Phong cách hoài niệm bao trùm ở 20 phút đầu phim. Bằng công nghệ kỹ xảo tiên tiến, cả khán phòng sẽ có dịp tái ngộ Tiến sĩ Jones thời trẻ ở giai đoạn Thế Chiến Thứ 2. Từ tông màu cho đến phần âm nhạc đều khiến mọi người liên tưởng đến quân đội Đức Quốc Xã trong Indiana Jones And The Last Crusade. Cảnh rượt đuổi nhau trên tàu lửa giữa Indy và lính Đức, cũng cho thấy các nhà làm phim muốn làm sống lại những giây phút oai phong nhất của Indiana Jones thuở nào. Đây cũng như một lời chào cuối cùng của Indiana Jones kiêu hãnh gửi đến các fan lâu năm.

Khi chuyện phim chuyển sang thập niên 60, bối cảnh cũng được tái hiện đầy công phu. Từ buổi diễu hành tôn vinh chuyến thám hiểm Mặt Trăng của tàu Apollo 11, cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của công dân Mỹ, đến cả màn đuổi bắt giữa mô tô và ngựa cũng được dàn dựng vô cùng chân thật. Phần bối cảnh cũng được đầu tư lớn khi Indy và Helena phải di chuyển từ New York, tới Morocco, rồi đến Hy Lạp và Ý. Có thể thấy đây là một trong những chuyến đi dài hơi nhất của Tiến sĩ Jones.

Trong phần phim mới, những gì tinh túy nhất của series Indiana Jones đều được giữ lại và khai thác triệt để. Đó là các chướng ngại như lũ côn trùng đáng sợ, các loài động vật khát máu dưới nước, bẫy thời cổ đại. Dĩ nhiên là không thể thiếu phần giải đố truy tìm chiến lợi phẩm.

Thế nhưng, chính vì thời lượng hơn hai giờ đồng hồ nên dẫn đến kịch bản phim có đôi chỗ không cần thiết. Vài nhân vật mang tính chất vô thưởng vô phạt, dù có hay không cũng chẳng ảnh hưởng đến mạch phim. Ngoài ra, một vài khung hình được quay ban đêm khá tối để che lấp khuyết điểm về CGI.

Tài tử gạo cội Harrison Ford luôn là tâm điểm của phim. Việc gắn liền với Indiana Jones quá lâu như thế đã giúp ông thấm nhuần nhân vật. Ông không cố thể hiện một Indy “chịu chơi” không ngại va chạm, Indy giờ đây ở tuổi xế chiều cũng uể oải, không còn sức sống, phải gồng mình bởi biết bao di chứng bệnh tật để lại từ tuổi trẻ. Đến khi cần, sự gan dạ và sáng suốt của Indy vẫn còn đó, luôn dùng kinh nghiệm dày dặn tích lũy được để dễ dàng giành chiến thắng.

Nữ diễn viên Phoebe Waller-Bridge cũng là điểm sáng của phim khi cô khắc họa thành công một Helena tưởng chừng xinh đẹp, thực dụng vô cảm, nhưng thật ra ẩn sâu bên trong là trái tim nhiệt huyết với ngành khảo cổ học, giỏi giang không kém người bố nuôi Indy. Helena hứa hẹn sẽ có thể viết tiếp câu chuyện về hậu duệ của Indiana Jones.

Là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất lịch sử điện ảnh, Indiana Jones And The Dial Of Destiny có thể xem là lời kết trọn vẹn đáng nhớ dành cho cái tên Indiana Jones vĩ đại – người anh hùng hài hước, láu cá, tháo vát, ngạo mạn độc nhất vô nhị mà Hollywood từng sản sinh.