Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Inside Out là bộ phim đánh dấu sự trở lại thực sự của Pixar, với đầy đủ lý do khiến hàng triệu người yêu mến và chờ đợi hãng phim này: cốt truyện nguyên gốc, sáng tạo, những nhân vật lạ lùng mà gần gũi, chất hài vui tươi duyên dáng, và trên hết, những khoảnh khắc rung động khiến người lớn rơi nước mắt như một đứa trẻ.
Có thể nói, Inside Out là bộ phim mà đạo diễn kiêm biên kịch Pete Docter đã thai nghén cả cuộc đời. Từ khi còn là cậu bé cô đơn chuyển nhà từ Minnesota (phải, là nơi ở cũ của cô bé Riley trong phim) đến Đan Mạch để bố cậu theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Docter đã trải qua quãng thời gian khó khăn, không có bạn bè và chẳng thể hòa nhập, tìm vui trong những trang vẽ để rồi dẫn đến việc trở thành họa sĩ của Pixar. Ông biết cách để khơi dậy sự cô đơn, như cảnh phim không thoại xuất sắc của Wall-E, mà ông Docter làm đạo diễn vào năm 2008.
Cho đến khi lập gia đình và có con, đứa trẻ ấy vẫn chưa từng mất đi bên trong Docter. Và ông nhìn thấy ở cô con gái Elie khi bước vào tuổi thiếu niên hình ảnh chính mình. Cô bé từ hiếu động hồn nhiên trở nên nhút nhát và sợ sệt, và ông tự hỏi, điều gì đã xảy ra bên trong đầu con bé? Hay điều gì xảy ra đối với những cảm xúc thay đổi đến chóng mặt khi con người chạm ngưỡng trưởng thành?
Đó là lúc Niềm Vui, Nỗi Buồn, Tức Giận, Sợ Hãi, và Ghê Tởm (bản tiếng Việt dịch là Chảnh Chọe không đúng nghĩa và không hợp với nội dung lắm) ra đời.
Bộ phim bắt đầu bằng cảnh Riley ra đời. Từ trong hư không bên trong cô bé, Niềm Vui xuất hiện. Có hơi chuệch choạc một chút vì những đứa trẻ sẽ khóc, trước khi cười. Nhưng đây là câu chuyện về niềm vui. “Cơn quan đầu não” ban đầu cũng hình thành, với những quả cầu ký ức hiện ra theo mỗi sự kiện xuất hiện trong đời Riley, và mang màu sắc của cảm xúc cô bé cảm thấy lúc đó. Vui tưởng rằng “chỉ có mình và Riley hạnh phúc mãi mãi”, trước khi nhận ra Nỗi Buồn xuất hiện. Và sau đó, là thêm nhiều người khác. Mỗi cảm xúc đều đóng vai trò riêng trong việc giúp Riley sống sót và hạnh phúc.
Mọi thứ đều tốt đẹp dưới sự chỉ huy của Niềm Vui, cho đến khi Riley phải chuyển nhà đến San Francisco, do gia đình gặp khó khăn tài chính. Sự hỗn loạn bắt đầu, khi Nỗi Buồn tỏ ra nổi loạn, cố gắng tiêm nhiễm mỗi ký ức sự tồn tại của mình. Tai họa xảy đến, Vui và Buồn bị hút văng khỏi Cơ quan đầu não. Họ phải du hành qua các vùng đất khác trong đầu óc Riley, như Vùng đất Tưởng tượng, Căn phòng Trừu tượng, Hãng phim giấc mơ, Vùng tiềm thức... để trở về, trước khi Riley phạm phải sai lầm lớn nhất cuộc đời.
Điều đáng để người xem vỗ tay thán phục nhất ở Inside Out là sự sáng tạo vô cùng xuất sắc đến từ Pete Docter và đội ngũ biên kịch. Ý tưởng về các cảm xúc có linh hồn, và có cảm xúc, là rất thú vị và mang đến rất nhiều khoảng không để khai thác. Sau thế giới đồ chơi, thế giới quái vật, thế giới biển cả, và các robot không gian, Pixar tiếp tục mang đến một thế giới rộng lớn và ấn tượng không kém: đầu óc con người. Những người có hiểu biết về tâm lý học và cách thức hoạt động của não bộ sẽ hiểu được Inside Out xuất sắc đến mức nào. Với sự giúp đỡ của Paul Ekman và Dacher Keltner, hai nhà tâm lý học hàng đầu, Docter đã tạo ra một thế giới khổng lồ với các khu vực riêng, các nhân vật và luật lệ vừa hợp lý vừa vui nhộn, tái hiện lại cách mà bộ não làm việc một cách chính xác. Với rất nhiều các thuật ngữ phức tạp không dành cho số đông đại chúng, như ký ức dài hạn, ký ức lõi, tiềm thức, trừu tượng... nhưng được giải thích vô cùng dễ hiểu và tự nhiên, đó quả là một kỳ công. Không chỉ tái hiện cách thức hoạt động, Inside Out còn tái hiện cách mà mỗi cảm xúc tác động và thay đổi theo độ tuổi con người.
Hành trình của Vui và Buồn, hay hành trình của Riley trong việc thích nghi và hòa hợp với cuộc sống mới, có thể chạm đến người xem ở bất kỳ độ tuổi nào, bởi sự gần gũi. Ai cũng đã và sẽ trải qua cảm giác đó, khi một ngày thức dậy và bỗng thấy mọi thứ không còn như thời trẻ con. Không còn chỉ là những cảm xúc vui, buồn, giận rạch ròi và chóng qua. Một trong những vấn đề lớn nhất của tuổi thiếu niên là học cách kiểm soát và chấp nhận các luồng cảm xúc phức tạp hơn, khó chịu hơn, và thậm chí là sự vô cảm. Đó là giai đoạn dễ dẫn đến các hành động sai lầm, hay sự sa ngã, có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tính cách sau này.
Inside Out giải thích nguyên do cho tất cả điều đó là ở Nỗi Buồn. Được tạo hình với sắc xanh (trong tiếng Anh Blue-màu xanh nghĩa là Buồn). Có mặt cùng lúc với Niềm Vui, nhưng dường như Buồn là kẻ thừa thãi. Ai lại cần đến nỗi buồn trong đời? Những vấn đề phát sinh và nằm ngoài tầm kiểm soát của Riley đều là do Buồn phá hoại, ở những phút đầu, có thể khá đáng ghét. Điều khiến các phim của Pixar đáng yêu, là ở việc các nhân vật đều có linh hồn và cảm xúc. Đó chính xác là điều chúng ta nhìn thấy ở Nỗi Buồn, khi phim trôi qua, chúng ta hiểu rằng chính Nỗi Buồn, giống như Riley, cũng đang tìm cách thích nghi và tìm vị trí của mình ở trên đời. Và rằng hành trình chính trong Inside Out có thể không hẳn là về Niềm Vui, mà là về Nỗi Buồn.
Hành trình đó được thực hiện một cách gọn gàng và giàu cảm xúc, trong trẻo và tinh tế như chính các ký ức tuổi thơ của Ridley. Docter từng nói rằng ông gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển các nhân vật, nhưng trong phim, chúng ta sẽ thấy mọi thứ đều diễn ra gần ở mức hoàn hảo. Giống như Toy Story, đây là bộ phim về sự trưởng thành. Nhưng thứ chúng ta cảm thấy tiếc nuối khi chia tay, không phải là các con đồ chơi, mà là ký ức. Các nhà làm phim hiện thực hóa khoảnh khắc giao thời giữa trẻ con và người lớn, hoặc “tiền-người lớn” mà chúng ta đều trải qua nhưng không thể nhận biết: đâu là lúc chúng ta bước vào tuổi thiếu niên? Đâu là lúc những người bạn thiếu thời biến mất khỏi cuộc sống hàng ngày? Đâu là lúc chúng ta không còn hứng thú với những điều đã từng hứng thú? Trong cuộc sống thật này, chúng ta đi qua những giao điểm mà không hề có cơ hội nói lời tạm biệt. Với Inside Out, trong những giọt nước mắt dành cho một nhân vật lạ lùng, người xem sẽ có cơ hội sống lại khoảnh khắc đó.
Sự ấm áp mà Inside Out mang lại, không chỉ đến từ các tầng ý nghĩa về gia đình, về cách Nỗi Buồn sẽ đóng vai trò thế nào trong cuộc sống con người. Rằng mỗi đứa trẻ cần phải học cách nói lên vấn đề của chúng, và các bậc phụ huynh cần quan tâm đúng cách, để giúp con cái mình vượt qua đoạn đường gồ ghề ấy. Sự ấm áp còn đến từ điều Docter muốn nói với mỗi đứa trẻ đang không có bạn, bị bắt nạt hay xa lánh, rằng thật ra chúng không hề cô đơn. Pixar dường như là hãng phim dành cho những đứa trẻ cô đơn, bởi họ biến những thứ vô tri vô giác thành bạn bè của chúng. Trong Inside Out, các cảm xúc – giống như những người bạn thân thiết đã ở bên cạnh chúng suốt cuộc đời – sẽ luôn ở bên cạnh chúng và làm mọi thứ để chúng hạnh phúc.
Giống như Joy đã làm, một cách vô điều kiện và chân thành. Đó là niềm an ủi và điều kỳ diệu mà Pixar luôn mang lại, ở việc họ nhắc nhở mỗi đứa trẻ rằng chúng luôn được yêu thương, bất kể là ai hay gặp vấn đề gì. Và chỉ có yêu thương mới tạo thành lớp nền vững chắc nâng đỡ để chúng vượt qua sóng gió cuộc đời.
Inside Out chắc chắn sẽ nằm trong danh sách những phim hay nhất, nếu không muốn nói là hay nhất mà Pixar từng làm nên. Nếu có điều gì còn gờn gợn trong tâm trí khi xem xong bộ phim này, thì có lẽ là sự tiếc nuối luôn có mỗi khi xem xong một bộ phim ta biết sẽ rất lâu nữa mới xuất hiện trở lại, và niềm mong mỏi hãng phim nay đã thuộc sở hữu Disney này tiếp tục giữ lấy chất riêng của họ. Không phải với những giải Oscar vô nghĩa như Brave, không chạy theo thị trường như Cars 2, thậm chí không cần đến 2 phim một năm như sẽ có vào năm nay (Dinosaur ra mắt tháng 12). Chỉ cần họ luôn là họ, người bạn của những đứa trẻ cần vỗ về như họ luôn là, với những khoảnh khắc kỳ diệu trên màn ảnh không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Pixar mà chúng ta vẫn biết.
Pixels: Một Chút Vui Cười, Một Chút Hoài Niệm
The Man From U.N.C.L.E: “Đặc Sản” Điệp Viên Và Thời Trang Kiểu Cũ
Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh: Có Phải Hồn Việt Ta Đã Đợi Từ Lâu?