Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Inferno: Khi Người Hùng Màn Ảnh “Chân Yếu Tay Mềm”

[Review] Inferno: Khi Người Hùng Màn Ảnh “Chân Yếu Tay Mềm”

Không sức mạnh siêu nhiên, không đánh đấm thần sầu, không “đồ chơi” kỹ thuật vượt trội, lần này thế giới được cứu rỗi bằng đôi tay trắng cùng trí tuệ siêu phàm.

Bỏ qua The Lost Symbol, chuyển thể điện ảnh thứ ba của Dan Brown “dịch chuyển tức thời” tới quyển tiểu thuyết gần nhất của ông – Inferno / Hỏa Ngục.

Hỏa Ngục là phần mở đầu trong tác phẩm Thần Khúc của đại thi hào Dante Alighieri - tác phẩm được Dan Brown ví von “được nghiên cứu nhiều chỉ sau Kinh Thánh”. Cũng như Leonardo Da Vinci của The Da Vinci Code hay hội Illuminati của Angels & Demons, Dan Brown tiếp tục khiến cả thế giới thán phục bởi một công trình khảo cứu đồ sộ. Tiểu thuyết của ông không đơn thuần là một câu chuyện điều tra mà là quá trình tìm tòi nghiên cứu những bí ẩn suốt hàng trăm năm về Leonardo Da Vinci, Isaac Newton hay Dante Alighieri… Trong thật có giả, trong giả có thật.

Phần phim mới mở màn đầy gay cấn khi Robert Langdon tỉnh lại với bộ dáng nhếch nhác trong một bệnh viện ở Florence – Italy. Chống chọi vết thương cùng cơn đau chết người trên đỉnh đầu, vị giáo sư khoa nghiên cứu hình tượng và ký tượng tôn giáo nổi tiếng của đại học Harvard nhận ra mình bị mất ký ức vài ngày qua. Đau đớn thể xác không mệt mỏi bằng những giấc mơ đầy ám ảnh, cùng với bác sĩ Sienna Brooks, anh bước vào hành trình vòng quanh châu Âu để tìm lại trí nhớ và ngăn chặn một âm mưu khủng khiếp nhằm diệt chủng nhân loại.

Vấn đề lần này của Langdon đến từ một fan hâm mộ cuồng nhiệt của Dante – Bertrand Zobrist. Là một tỷ phú người Mỹ, một nhà khoa học thiên tài, Zobrist mang có cái nhìn đúng đắn nhưng lại mang tư tưởng quá cực đoan đối với nhân loại.

Sau vai diễn Medivh trong Warcraft, năm nay Ben Foster lại có một vai diễn nổi bật. Thần thái tự tin, biểu cảm vừa sắc lạnh cùng đôi mắt sâu hút hồn của anh rất hợp với Betrand Zobrist. Dù tác phẩm gốc và phim chuyển thể có điểm thay đổi quan trọng nhưng nhân vật của anh vẫn gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Điểm thiếu sót nhất có lẽ là đất diễn không nhiều.

Trở lại vai diễn Robert Langdon, Tom Hanks thay đổi khá nhiều so với hình ảnh ngài cơ trưởng Sully khán giả vừa gặp hai tháng trước. Khoác lên người sơ mi cùng vest chỉn chu, Robert Langdon trông vẫn phong độ dù thân hình có phần nặng nề và khuôn mặt đã hằn vết thời gian rõ rệt. Cũng như mọi khi, không cần súng, kỹ năng võ thuật hay sức mạnh siêu phàm, vị giáo sư lại dùng bộ óc vĩ đại cùng kho tàng kiến thức đồ sộ thông thuộc Đông Tây kim cổ của mình giải mã hàng loạt vấn đề. Có khả năng diễn xuất tài tình cùng thần thái chuẩn mực đã trui rèn qua tháng năm, Tom Hanks không gặp khó khăn gì khi hóa thân vào một Robert Langdon bước ra từ tiểu thuyết.

Lần này, đồng hành cùng ông trong chặng đường giải cứu thế giới là bóng hồng Anh quốc Felicity Jones. Là “Langdon girl” thứ ba trên màn ảnh, dù vẫn còn rất trẻ nhưng Felicity đã có một gia tài điện ảnh “đáng nể” với một đề cử Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2014. Nhận vai Sienna Brooks – một nữ bác sĩ xinh đẹp, thông minh với nhiều bí ẩn trong quá khứ, Felicity có cơ hội thể hiện những phân cảnh đấu tranh nội tâm. Đây là vai diễn quan trọng trước khi bom tấn Rogue One: A Star Wars Story do cô thủ vai chính ra mắt vào cuối năm nay.

Không phụ những trông đợi của người hâm mộ, trừ mái tóc đã mất đi màu vàng trong tiểu thuyết gốc, Felicity hoàn toàn lột tả được tính cách cực kỳ phức tạp của Sienna. Không may, vì nhiều lý do, vai trò của nhân vật này bị giản lược đi khá nhiều so với nguyên bản.

Với kinh phí đầu tư hoành tráng, bối cảnh phim trải dài từ Florence đến Venice rồi đến tận cố đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Trên màn ảnh, thánh đường Hagia Sophia tuyệt đẹp cùng cung điện ngầm ấn tượng đến nghẹt thở. Đặc biệt, những phân đoạn về “Hỏa Ngục” trong mắt Robert Langdon được dàn dựng cực kỳ tỉ mỉ, công phu và hoành tráng. Hình ảnh những khuôn mặt bị lật ngược, cả người bị chôn vào đất chỉ còn lại đôi chân hay chiếc mặt nạ dịch hạch ám ảnh đều gây hiệu ứng thị giác cực mạnh.

Là nhà soạn nhạc của hàng loạt siêu phẩm phim hay hàng đầu như Pirates Of Caribbean, The Lion King, Inception hay The Dark Knight… Hans Zimmer vẫn giữ phong độ trong Inferno. Đáng tiếc, một phân cảnh quan trọng của phim- với sự xuất hiện một dàn nhạc hoành tráng lại bị phá hỏng khá nhiều vì khâu dàn dựng xen nhiều tạp âm không đáng có.

Mạch phim gay cấn từng phút, nhiều câu thoại hài hước hơn. Cốt truyện lạ với nhiều nút thắt, phản diện bất ngờ, lật mặt trong tình huống không ai ngờ tới. Tuy nhiên, dường như cái kết trong tác phẩm gốc quá nhạy cảm nên trong bản phim chiếu rạp, vấn đề của Inferno không được giải quyết triệt để. Điều này dễ làm mất lòng các fan hâm mộ tác phẩm của Dan Brown.

Công tâm mà nói, chuyển thể của Ron Howard chưa bao giờ được lòng những người hâm mộ tiểu thuyết gốc. Thế nhưng với một vị đạo diễn đoạt hai Oscar, thật khó để nghĩ rằng ông không cố hết sức cho một chuyển thể tuyệt vời. Có lẽ, tư tưởng tiến bộ của tiểu thuyết gốc vẫn là điều xã hội chưa chấp nhận.

Ngoài ra, biên kịch David Koepp nổi tiếng với hàng loạt siêu phẩm trong sự nghiệp như Mission Impossible, Jurassic Park, Spider-Man… Thế nhưng thành công và kinh nghiệm của ông lại tập trung ở những anh hùng sức mạnh cơ bắp và trí tuệ song song chứ không phải là dạng giáo sư “chân yếu tay mềm” như Langdon.

Vẫn còn nhiều vấn đề, cũng như phải đối đầu siêu bom tấn Doctor Strange trên phòng vé Bắc Mỹ nhưng Inferno vẫn có quyền tự tin khi có một lượng khán giả nhất định, nhất là những người hâm mộ trung thành của nhà văn Dan Brown. Dù sao, chắc chắn rằng, nếu hai phần chuyển thể trước khiến bạn thích thú, Inferno sẽ làm bạn thích còn nhiều hơn.