Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Sau thất bại đáng tiếc của Whiplash năm 2014, Damien Chazelle đã trở lại và phục thù bằng La La Land. Cũng lấy đề tài âm nhạc, bộ phim âm nhạc này càn quét nhiều giải thưởng Liên hoan phim, nhận được 7 đề cử Quả Cầu Vàng và đang là ứng cử viên sáng giá cho hàng loạt tượng vàng Oscar.
Hãy dẹp đi những xô bồ của cuộc sống hiện đại với những tháng ngày quay cuồng bên công việc mà đến với kinh đô điện ảnh Hollywood, tọa lac ở Los Angeles phồn hoa đô hội. Nơi đó, hai con người trẻ tuổi có cái tên đẹp – Mia và Sebastian đã gặp nhau. Họ cá tính, họ bướng bỉnh, họ khát khao khẳng định bản thân. Cả Mia và Seb, đều cố công theo đuổi ước mơ của mình tại vùng đất nghệ thuật đẹp đẽ mà cũng lắm chua cay này. Sau những cuộc gặp gỡ đầy duyên phận, cả hai lao vào nhau như hai kẻ thiêu thân. Bắt đầu một chuyện tình đẹp, cuồng nhiệt và đầy mộng mơ. Thế nhưng, Hollywood không phải xứ sở thần tiên! Những kẻ khờ chẳng thể giữ mãi giấc mơ trong trẻo của mình!
Khi công bố những hình ảnh ban đầu, La La Land đã gây chú ý bởi những thước phim có màu siêu đẹp. Các phối màu vô cùng ấn tượng với sắc vàng và xanh dương nổi bật. Hai tông màu nóng- lạnh được đặt cạnh nhau không hề khiến người xem rối mắt, ngược lại chúng bổ trợ nhau và khiến người xem khó thể rời mắt được. Trong La La Land, phần trang phục của nhân vật qua từng thời điểm được lựa chọn tỉ mỉ và có mục đích rõ ràng. Sự hoán đổi màu sắc quần áo của Mia ở cuối phim và Seb ở giữa phim cũng nhằm để phản ảnh sự “tỉnh mộng” của họ. Cách xử lý màu sắc rất chuyên nghiệp của La La Land sẽ dễ dàng làm khán giả liên tưởng tới The Grand Budapest Hotel – bộ phim hay từng gây sốt vào năm 2014. Và dĩ nhiên, cũng như Khách Sạn Đế Vương, Những Kẻ Khờ Mộng Mơ hoàn toàn có khả năng ôm trọn các giải thưởng về mỹ thuật và phục trang của Oscar năm nay.
So với Whiplash, đạo diễn Damien Chazelle đã tiến bộ rõ rệt trong La La Land. Bộ phim hoài cổ giữa bối cảnh hiện đại. Thế nhưng mọi thứ được sắp xếp hết sức hài hòa, không hề gượng gạo. Các cảnh quay trong phim đẹp đến nghẹt thở. Những cốc rượu sóng sánh trong màn đêm tượng trưng sự hào nhoáng của Hollywood, những cốc cà phê đơn giản là thế giới hiện thực của những kẻ chưa vươn được đến thành công. Tất cả được dàn dựng đầy tính nghệ thuật.
Bối cảnh phim đẹp ấn tượng với những góc phố đêm khuya vắng bóng người đẹp, ngọn đồi đậm chất thơ, những địa điểm quay phim nổi tiếng hay quán nhạc Jazz cũ kỹ mà ấm áp. Dĩ nhiên, không thể không kể đến những bức tường phủ đầy các bức vẽ graffiti về thế giới điện ảnh Hollywood. Phim trường Hollywood đầy sống động như thế qua những bước chân của Seb và Mia. Một Hollywood muôn màu muôn sắc hiện lên vừa thực tế vừa mộng mơ, khiến người ta vừa thèm muốn vừa sợ hãi. Các phân đoạn của La La Land được ghép nối rất độc đáo, mượt mà chỉn chu từng chi tiết nhỏ, khiến người xem rất ấn tượng. Không hề bất ngờ khi biết đây là sản phẩm của Tom Cross – người sở hữu một giải Oscar nhờ kỹ năng dựng phim tuyệt vời trong Whiplash.
Những giai điệu vô cùng quan trong La La Land tiếp tục được Damien Chazelle tin tưởng giao cho Justin Hurwitz- người đã cộng tác cùng anh trong Guy And Madeline On A Park Bench và Whiplash. Thế nên, thật là thừa thãi nếu nghi ngờ bàn tay vàng đã đứng sau những thanh âm rung động lòng người trong một bộ phim được 3 tượng vàng Oscar và xếp thứ 45 trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại của IMDB. Những giai điệu trong La La Land đa dạng và phong phú, từ pop sôi động đến Jazz da diết. Làm sao có thể giữ trái tim không rung động trước những khúc dương cầm ấn tượng của Sebastian? Phần âm nhạc của La La Land có thể tóm gọn bằng bốn chữ “vô cùng xuất sắc”.
Ngoài ra, La La Land còn là kho tàng kiến thức về nhạc Jazz, về những cái tên huyền thoại của âm nhạc và điện ảnh.
Kịch bản La La Land gây nhiều tranh cãi ở phần kết thúc. Người cho rằng quá đẹp, kẻ lại cho rằng quá thực. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận sự cuốn hút Damien Chazelle đã thổi vào trong từng phân cảnh, trong từng lời thoại. Đặc biệt, những chi tiết nhỏ được cài cắm tinh tế khiến khán giả dạt dào trong cảm xúc. Có thể kể đến dấu nốt nhạc của Seb trong tên quán Seb’s. Một bảng hiệu đẹp và chứa nhiều day dứt đằng sau. La La Land nửa mộng mơ nửa thực tế nhưng cũng bớt đi rất nhiều xô bồ trong cuộc sống. Giữa những bộ phim khao khát hướng đến sự thật trần trụi, thô ráp, khám phá những nét sâu kín nhất trong mặt tối con người… La La Land trở nên khác biệt. Chỉ tiếc là, giá như biên kịch mạnh dạn phá cách hơn một chút nữa có lẽ phim sẽ càng ấn tượng hơn.
Tái hợp lần thứ 3 sau Crazy, Stupid, Love và Gangster Squad, phản ứng hóa học của Ryan Gosling và Emma Stone tốt hơn nhiều so với lần đầu. Ánh mắt Mia nhìn Seb ngỡ ngàng khi anh hiểu lầm ý mình, ánh mắt Sebastian nhìn Mia khi anh dạo khúc dương cầm trên sân khấu quán Seb’s đều là những khoảnh khắc sẽ đọng lại rất lâu trong tâm trí khán giả xem phim.
Là bộ phim dành cho Oscar, khả năng thắng giải Phim hay nhất của La La Land được đánh giá rất cao. Ryan Gosling và Emma Stone cũng được điểm mặt chỉ tên như những ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar Nam Nữ chính xuất sắc nhất. Tuy nhiên, khả năng đoạt giải của hai người khá mong manh khi đều gặp phải những đối thủ rất mạnh.
Với nhân vật Mia, Emma Stone đã có một bước tiến đáng kể trong sự nghiệp. Là một nữ diễn viên nổi tiếng với cá tính và sự đa dạng trong diễn xuất nhưng công chúng biết đến cô với các bộ phim nổi tiếng mảng thương mại như Easy A, The Amazing Spider–Man.... hơn là những tác phẩm giàu tính nghệ thuật như The Help. Mãi tới năm 2014, Emma mới khẳng định bản thân bằng một đề cử Oscar cho nhân vật ấn tượng trong Birdman.
Mia được Emma lột tả gần như hoàn hảo với quãng thời gian năm năm đầy thăng trầm, từ cô gái phục vụ ở quán café để chờ đợi thử vai đến một minh tinh nổi tiếng và sang trọng. Tuy nhiên, năm nay, Emma Stone gặp phải hai đối thủ là Natalie Portman và Amy Adams trong hai phim mới Jackie và Arrival. Đặc biệt, nhân vật Đệ nhất phu nhân Kenedy của Natalie Portman rất đúng gu các giám khảo của viện hàn lâm.
Còn Ryan Gosling, có vẻ nét đẹp quá tầm với một chàng nhạc công nhiều vất vả đã khiến nhân vật Sebastian của anh bị đánh giá thấp đi nhiều. Thật đáng tiếc cho Ryan, nhất là sau màn trình diễn rất tuyệt của anh vào mùa hè trong bộ phim hài ly kỳ The Nice Guy. Là ứng cử viên Nam chính xuất sắc nhất tại Quả Cầu Vàng, thế nhưng, khả năng thắng của Ryan Gosling gần như bằng 0.
La La Land đã kết thúc nhưng giấc mộng của kẻ khờ vẫn còn đó, nơi quán Seb’s cùng giai điệu nhạc Jazz lay động trái tim. Nếu chọn một bộ phim mùa Oscar có thể đến với số đông công chúng, La La Land chắc hẳn sẽ nằm trong những lựa chọn hàng đầu tại rạp chiếu phim.