Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
So với nhiều bộ phim Việt ra mắt vào nửa cuối năm 2017, “Ngày Mai Mai Cưới” không phải là cái tên quá nổi bật. Vậy chất lượng thực sự của phim như thế nào?
Chuyện phim Ngày Mai Mai Cưới xoay quanh 4 người bạn chơi thân với nhau từ khi mới lọt lòng tại vùng biển Gò Công.
Trong đó, anh chàng mắc tật cà lăm khi gặp chuyện căng thẳng Bền (Vinh Râu) nuôi mộng trở thành ca sĩ nhưng gia đình muốn anh theo nghề gia truyền cào nghêu. Còn Gừng (Thái Vũ) mong muốn làm nhà thám hiểm đại dương lại phải đi bỏ mối nước đá giúp gia đình. Mành (Huỳnh Phương) bị mù màu đỏ, có một ước mơ “nhỏ nhoi” trở thành tỉ phú đô la, trớ trêu thay gia đình lại muốn anh chàng đi tu.
Và cuối cùng là Mai (Diệu Nhi) - Người có ước mơ trở thành cảnh sát giao thông nhưng bị gia đình ép buộc theo học kế toán và lấy chồng cho hết ế. Mọi thứ càng trở nên rối rắm khi ba mẹ Mai (Trung Dân - Cát Phượng) ép con gái mau lấy chồng khiến cô...phát rồ.
So với nhiều phim Việt ra mắt vào nửa cuối năm 2017, Ngày Mai Mai Cưới không phải là cái tên quá nổi bật. Vậy liệu chất lượng thực sự của bộ phim mới như thế nào?
Đầu tiên phải khẳng định rằng chất hài của bộ phim rất duyên dáng. Từ lời thoại cho đến các tình huống, chi tiết hài hước đều được xây dựng khá tự nhiên mà cũng không khoa trương, không quá lố. Đặc biệt góp phần quan trọng trong đó không thể không nhắc đến diễn xuất, màn hóa thân tròn vai của bộ tứ “siêu quậy” Diệu Nhi - Vinh Râu – Thái Vũ – Huỳnh Phương.
Vai diễn nữ chính Mai sinh ra chính là dành cho Diệu Nhi. Sự tưng tửng, “lầy - bựa” của nhân vật này đã được cô truyền tải một cách rất chân thật, lôi cuốn, không có chút gượng ép nào.
Cũng nên dành lời khen ngợi cho Diệu Nhi vì lần đầu đảm nhiệm vai chính trong phim chiếu rạp nhưng cô nàng lại chấp nhận hy sinh hình tượng để phù hợp với nhân vật: đen nhỏm, luộm thuộm và tính cách y như một “thằng con trai”. Dường như chỉ có hai phân đoạn cô nàng được xuất hiện với tạo hình xinh đẹp, đúng chất con gái thực sự.
Cùng với Diệu Nhi, ba thành viên đến từ nhóm hài FAPtv Vinh Râu – Thái Vũ – Huỳnh Phương đã có màn chào sân điện ảnh khá ấn tượng. Nếu không có sự xuất hiện của bộ ba này, đồng thời là màn tung hứng, phối hợp ăn ý của họ với Diệu Nhi, nhất định Ngày Mai Mai Cưới sẽ nhàm chán và gây thất vọng rất nhiều.
Điểm cộng thứ 2 của bộ phim mới này đó chính là làm nổi bật được những nét đẹp chân chất của một làng quê ven biển Việt Nam, đặc biệt khi Ngày Mai Mai Cưới vốn là tác phẩm được remake từ series điện ảnh ăn khách của Indonesia: Get Married.
Trước hết, cái đẹp đó được thể hiện qua những thước phim đẹp vời vợi, thênh thang khiến khán giả không khỏi nao lòng, xao xuyến, muốn xách ba lô lên và đến Gò Công Đông ngay lập tức để đắm mình giữa khung cảnh đó: trước mặt là biển xanh lấp lánh ánh bạc, trên là trời cao mây trắng trôi lững thững và xung quanh là những màu đỏ, màu vàng,… từ áo của người ngư dân trên các vựa nghêu. Để có được kết quả này, đạo diễn hình ảnh của phim quả thực đã đóng góp công sức rất lớn.
Tiếp theo, nét đẹp của bộ phim còn đến từ sự mộc mạc, giản dị của chính con người và cuộc sống nơi đây. Từ cái khăn trải bàn họa tiết công phượng, trang phục giản dị, cái cổng hoa giấy có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu trên khắp các vùng quê Việt Nam… cho đến lời thoại, cách đối đáp giữa các nhân vật trong phim đều gợi lên cho người xem cảm giác thân thuộc, gần gũi. Một lần nữa phải dành lời khen ngợi cho ekip làm phim bởi nếu không có sự chu toàn, cầu kỳ trong từng cảnh quay như vậy thì bộ phim sẽ khó có thể tạo được sự kết nối cũng như những khoảng lắng nhất định trong cảm xúc của khán giả.
Cùng với những ưu điểm kể trên, Ngày Mai Mai Cưới vẫn có một số điểm hạn chế đáng tiếc.
Kịch bản phim và cách dàn dựng vẫn đang còn mang hình bóng của phong cách truyền hình.
Ngoài câu chuyện tìm chồng cho Mai, phim còn đề cập đến khao khát được sống và làm đúng như những gì mà mình mong muốn của các bạn trẻ. Đây cũng là vấn đề bắt đầu vào nội dung phim.
Tuy nhiên trong suốt 100 phút trình chiếu, khía cạnh này dường như đã bị bỏ quên/ hoặc có nhắc đến nhưng lại bỏ ngỏ. Để rồi cuối cùng, biên kịch lại cố gắng giao cho các nhân vật những lời thoại nặng triết lý, nhằm có thể truyền tải một thông điệp nào đó nhưng lại vô tình biến nó trở nên gượng gạo, không phù hợp với phong cách mà bộ phim đã theo đuổi từ đầu.
Một điều đáng tiếc nữa đó là vai trò của nam nhân vật chính khá mờ nhạt. Sự xuất hiện của anh chàng không khỏi khiến người xem liên tưởng đến vị hoàng tử trong Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn – chỉ xuất hiện vào lúc cuối cùng để cưới công chúa, còn lại mọi việc cứ để các Chú Lùn lo (trong trường hợp này Bành – Mền – Gừng chính là những chú lùn).
Tựu chung lại, Ngày Mai Mai Cưới là một bộ phim không hề tệ và là một đề cử khá thú vị để các bạn có thể lựa chọn giải trí cùng với bạn bè, gia đình.