Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Ông Ngoại Tuổi 30: Tiếp Tục Là Phim Remake Thành Công Của Điện Ảnh Việt

[Review] Ông Ngoại Tuổi 30: Tiếp Tục Là Phim Remake Thành Công Của Điện Ảnh Việt

Ra mắt sau 10 năm, Ông Ngoại Tuổi 30 phiên bản Việt vẫn có những điểm hấp dẫn, khiến khán giả dù xem bản gốc rồi vẫn cảm thấy hài lòng.

Ông Ngoại Tuổi 30 được remake từ tác phẩm điện ảnh Scandal Makers đình đám của xứ sở kim chi. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” đến 10 năm nhưng không vì thế mà bộ phim hoàn toàn bị lép vế, thậm chí còn có phần nổi trội hơn so với tác phẩm remake của Trung Quốc.

Trong phiên bản Việt, nhân vật chính của phim mới này là Sơn Huy – một phát thanh viên điển trai nổi tiếng có cuộc sống đáng mơ ước với nhà cao xe đẹp và người yêu đầy nóng bỏng. Nhưng bỗng một ngày, cơn ác mộng ập đến khi một cô gái trẻ dẫn theo con trai đến nhận anh là cha và ông ngoại.

Từ đây, hàng loạt tình huống dở khóc dở cười liên tiếp xảy ra khiến các nhân vật bị “xoay” như chong chóng. Nhưng cũng chính nhờ đó mà gia đình nhỏ ngày càng gắn kết, yêu thương nhau hơn và có thêm dũng khí để đối mặt với những sóng gió, đàm tiếu của dư luận.

Điểm đáng khen đầu tiên của Ông Ngoại Tuổi 30 đó chính là sự thay đổi ở một số chi tiết – dù không nhiều nhưng khá hiệu quả của kịch bản chuyển thể do nghệ sĩ trẻ Huỳnh Lập phụ trách.

Có thể kể đến như bộ phim đã có cách bắt đầu khác hoàn toàn nhưng chính nhờ đó lại giúp khán giả dễ nắm bắt câu chuyện. Hay đến cuối phim, cái kết của gia đình trẻ trong phiên bản Việt rõ ràng đem đến cho người xem cảm nhận nhân văn và ý nghĩa hơn phiên bản gốc. Một số tình tiết cũng được lược bỏ để mạch phim được rõ ràng, đơn giản nhưng vẫn truyền tải được đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc. Quan trọng nhất, đạo diễn Võ Thanh Hòa đã đem đến được một Ông Ngoại Tuổi 30 chính xác là phiên bản Việt, phù hợp với xã hội và văn hóa của người Việt.

Về diễn xuất, thẳng thắn mà nói thì Trịnh Thăng Bình có ngoại hình phù hợp với hình tượng người đàn ông hào hoa hơn Cha Tae Hyun. Tuy nhiên kỹ năng diễn xuất của anh vẫn chưa hoàn toàn đủ độ “chín’. May mắn thay ở những phân đoạn cao trào, giọng ca Người Ấy lại hoàn thành khá tốt, góp phần giúp đẩy mạch cảm xúc của người xem lên cao và ngày càng bị hấp dẫn, lôi cuốn. Xét ở vị thế là vai diễn điện ảnh đầu tay, lại là vai chính thì nam diễn viên xứng đáng được khích lệ và đem đến nhiều hy vọng nếu như anh có ý định theo đuổi con đường diễn xuất dài lâu.  

Không chỉ có Trịnh Thăng Bình, Ông Ngoại Tuổi 30 cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà nữ diễn viên trẻ Kiều Trinh đảm nhiệm vai chính. Từ một thiếu nữ đầy tự tin, có thể gọi là kiêu ngạo trong Em Chưa 18, Kiều Trinh đã có màn lột xác đáng khen ngợi. Không chỉ khiến người xem rung động ở những phân cảnh quyết định, nữ diễn viên trẻ còn thành công khi đem đến một hình ảnh bà mẹ đơn thân rất chân thật, không hề có sự gượng ép dù cho khoảng cách tuổi tác giữa hai diễn viên chỉ như chị - em, cũng như kinh nghiệm làm mẹ của Kiều Trinh ở ngoài đời là “zero”. Ngoài ra, nữ diễn viên còn có lợi thế rất lớn về ngoại hình. Dù trong bối cảnh nào và trang điểm hay không thì người đẹp vẫn rất tỏa sáng và tạo được sự thu hút đối với khán giả.

Nhân vật đáng chú ý cuối cùng trong bộ ba diễn viên chính đó là cháu ngoại Phương Đông. Nếu như ở phiên bản Hàn, ngôi sao nhí Wang Suk Hyun đã đóng góp một phần rất lớn vào sự thành công của bộ phim thì ở phiên bản Việt, màn trình diễn của bé Coca Gia Bảo có phần lép vế. Ở kịch bản chuyển thể lần này, đất diễn của nhân vật cháu ngoại bị hạn chế. Trong khi đó, dù đã tham gia nhiều TVC nhưng lần đầu tiên đóng phim với bé vẫn là một thử thách lớn. Coca Gia Bảo có độ đáng yêu không hề kém cạnh diễn viên nhí nào nhưng khả năng biểu cảm của bé vẫn cần phải trau dồi thêm.

Ngoại bộ ba diễn viên kể trên, sự xuất hiện của người đẹp Hạ Vi ở tuyến nhân vật phụ cũng gây chú ý với người hâm mộ. Xuất hiện không nhiều nhưng nếu so sánh với phiên bản gốc, sự thể hiện của Hạ Vi mang đến một hình ảnh tươi tắn, rạng ngời phù hợp với bản chất công việc cô giáo mầm non.

Một điểm cộng nữa của Ông Ngoại Tuổi 30 đó chính là nhạc phim. Những ca khúc sử dụng trong phim hoàn toàn phù hợp với các nhân vật và bối cảnh. Trong đó, bài hát Tâm Sự Tuổi 30 do Trịnh Thăng Bình đồng sáng tác và thể hiện đã khiến các fan phải mê mẩn từ trước khi phim được ra mắt. Giai điệu nhẹ nhàng bắt tai, ca từ đơn giản dễ đi vào lòng người và khơi gợi được sự đồng cảm, Tâm Sự Tuổi 30 chắc chắn sẽ trở thành một cú hit nữa trong sự nghiệp ca hát của Trịnh Thăng Bình.

Tựu chung lại, sau Tháng Năm Rực Rỡ, Ông Ngoại Tuổi 30 tiếp tục là một tác phẩm remake đáng xem và thành công nữa của điện ảnh Việt trong năm 2018. Bộ phim hay này hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 30.03.