Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Được xem là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại sinh tồn, Rừng Thế Mạng của đạo diễn Trần Hữu Tấn ngoài việc sở hữu một kịch bản hấp dẫn, còn giới thiệu đến công chúng dàn diễn viên trẻ đầy triển vọng.
Đề tài sinh tồn trên điện ảnh không phải là điều mới mẻ, những cái tên gây tiếng vang trước đây như 127 Hours, Cast Away hoặc Life Of Pi đều thành công khi khắc họa sự khó khăn, nỗi đau và giằng xé nội tâm của nhân vật khi lâm vào tình thế hiểm nghèo. Đi cùng đó là những thông điệp lạc quan, mang tới niềm hy vọng và truyền cảm hứng cho bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được.
Chuyện phim nói về một nhóm bạn trẻ có chung niềm đam mê là cùng nhau lên rừng – xuống biển để khám phá những điều kỳ thú, và tận hưởng năm tháng thanh xuân. Tại đây đạo diễn giới thiệu địa danh Tà Năng - Phan Dũng, một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam với lộ trình 30km.
Đoàn thám hiểm gồm có Hoàng là trưởng nhóm, cùng với đó là Phước, Ngọc, Khanh, Bách và Kiên.
Hành trình của họ không đơn giản là để đi vì ham vui, mà ẩn sâu bên trong là mong muốn đến một nơi để có thể bỏ lại tất cả, ký gửi nỗi buồn để rồi ung dung nhẹ nhàng thoải mái quay trở về. Mỗi cá nhân đều mang trong lòng ưu phiền nhất định, thậm chí là cả sự ám ảnh về thể xác lẫn tâm hồn.
Kiên là một chàng trai có chút bốc đồng, lạnh lùng và không kém phần bí ẩn. Bạn thân của cậu là Bách thì ngược lại hoàn toàn, luôn hòa đồng, biết quan tâm và nghĩ đến cảm nhận của người khác. Khanh là một cô nàng thoạt nhìn có vẻ thuộc tuýp “bánh bèo”, nhưng đến thời khắc quan trọng, cô vẫn chứng tỏ được nghị lực mạnh mẽ và luôn dành sự cảm thông cho mọi người. Riêng Ngọc lại mang trong mình một vết thương lớn, chuyến đi Tà Năng cũng là cơ hội để Ngọc tìm lại chính mình, buông bỏ tất cả những điều tồi tệ. Trưởng nhóm Hoàng là người có đầy đủ yếu tố của người dẫn đầu, gan dạ và có trách nhiệm với bất kỳ hành động nào của mình. Sự hiện diện của Phước có vai trò đem đến sự thư giãn đáng yêu cho nhóm bạn.
Mở màn có phần hơi chậm, nhưng lại giúp người xem dễ đồng cảm hơn với số phận của từng nhân vật. Việc này giúp cho hồi hai của kịch bản được củng cố vững chắc hơn khi nút thắt xuất hiện.
Chỉ vì một vài hiểu lầm, cả đoàn phượt thủ đã xảy ra mâu thuẫn. Chính vì điều này nên dẫn đến hàng loạt sự kiện kinh hoàng theo sau. Mối quan hệ tình cảm tay ba, tay tư phức tạp đã khiến một thành viên tách đoàn. Nhân vật chính bắt buộc phải bằng mọi cách đưa được bạn mình trở về.
Đến với nơi “rừng thiêng nước độc”, sẽ là dịp để bắt gặp những điều ma quái kỳ bí nhất. Yếu tố tâm linh vốn không hề xa lạ gì với những địa hình vùng biển hoặc núi. Sự mạo hiểm luôn đi đôi với nguy hiểm, Rừng Thế Mạng đã dẫn dắt khán giả bước vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hùng vĩ của Tà Năng, ngay sau đó lại đẩy tất cả vào cái gọi là màn “trở mặt” của núi rừng. Chỉ một sai lầm nhỏ, cũng có thể phải trả giá rất đắt.
Vai chính của phim do nam diễn viên sinh năm 1995 Huỳnh Thanh Trực đảm nhận. Gần như những cảnh quay khó nhằn nhất của Kiên đều cho Thanh Trực tự mình đảm nhận. Trong phân đoạn vì để chống chọi cơn đói, Kiên đã ăn thịt một con ếch sống. Theo như đoàn phim chia sẻ, để hoàn thành cảnh đấy Trực phải quay ba lần với ba chú ếch sống khác nhau. Màn nhập vai của chàng diễn viên trẻ còn cho thấy sự nghiêm túc và đầu tư tâm huyết của anh khi phải giảm cân, ăn uống với chế độ riêng để có ngoại hình phù hợp với nhân vật.
Trần Phong từng được nhớ đến với vai Dũng trong Mắt Biếc cũng gây ấn tượng khi vào vai Bách. Nếu Dũng là một dạng công tử ăn chơi đáng ghét thì Bách ngược lại hoàn toàn, vừa tốt bụng, vừa hết lòng vì bạn bè. Sự hóa thân của Trần Phong cho thấy tiềm năng của anh hoàn toàn có thể phát huy tốt hơn, đem đến làn gió mới cho điện ảnh Việt.
Trước đây, với tác phẩm đầu tay là Bắc Kim Thang, Trần Hữu Tấn đã cho thấy tư duy độc đáo của anh khi tiếp cận thể loại kinh dị. Việc dùng những chất liệu mang màu sắc dân gian, đậm bản sắc Việt để đưa lên phim cho thấy Hữu Tấn đang chứng minh phong cách riêng của mình sẽ là một điều gì đó đem đến khởi sắc cho dòng phim kinh dị.
Không lạm dụng jump scare, âm thanh được tiết chế và sử dụng hiệu quả, biết cách tạo được nhịp phim cực kỳ chắc để lôi cuốn hơn. Đặc biệt sự bố trí các góc quay đạt hiệu quả cao, Rừng Thế Mạng của Trần Hữu Tấn tiếp tục là một bộ phim hay, xứng đáng nhận được nhiều lời khen. Dẫu cho vẫn còn vài điểm chưa được hoàn thiện chỉn chu, nhưng sự tận tụy của dàn diễn viên, sự tận tâm của cả ekip vẫn rất đáng trân trọng.
Phim đã ra mắt tại các hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc.