Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Song Song: Phiên Bản Remake Đậm Chất Việt Nam!

[Review] Song Song: Phiên Bản Remake Đậm Chất Việt Nam!

Hiện tại, điện ảnh Việt Nam chẳng thiếu phim remake. Gần đây nhất, Tiệc Trăng Máu remake từ Intimate Strangers của Hàn Quốc (kịch bản gốc Perfect Strangers - Ý) vừa đạt doanh thu 150 tỷ đồng. Song Song cũng nằm trong số ấy khi chuyển thể tác phẩm dù không quá đình đám nhưng được đánh giá cao đến từ Tây Ban Nha - Mirage.

Biên kịch kiêm đạo diễn Mirage là Oriol Paolo. Tác phẩm trinh thám The Invisible Guest do ông thực hiện từng tạo cơn sốt nho nhỏ tại Việt Nam. Nếu Sát Thủ Vô Hình là câu chuyện nút thắt đan xen, lật mặt như lật bánh tráng thì đề tài Mirage có vẻ “hiền lành” hơn, về hiệu ứng cánh bướm. Cú đập cánh của một con bướm ở Brazil có thể gây ra cơn bão tại Texas. Câu chuyện Mirage mang tầng tầng lớp lớp, dù phức tạp nhưng không hề lộn xộn.

Vượt qua khác biệt văn hóa Á – Âu rất lớn, Song Song chuyển thể khá tốt tinh thần bản gốc. Khác nhiều đồng nghiệp, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng có phần can đảm khi không chọn cách thể hiện Việt hóa từng phân cảnh từ Mirage mà chắt lọc và đưa thêm những tình tiết mới. Nhân vật được thổi hồn Việt Nam, gần gũi hơn hẳn.

Nhã Phương thủ vai Trang, một phụ nữ đang có đời sống viên mãn. Công việc ổn định tại bệnh viện, rộng đường tiến thân. Người chồng Quân (Trương Thế Vinh) thành đạt và yêu vợ. Cô con gái Cún lí lắc ngoan ngoãn. Vì giúp chồng, Trang chấp nhận chuyển đến căn nhà cũ thuộc khu vực sắp quy hoạch. Tại đây, cô phát hiện ra tivi và máy quay của con trai người chủ cũ – cậu bé Lê Phong. 20 năm về trước, Lê Phong bị tai nạn giao thông và qua đời vào chính ngày sinh nhật. Sự cố xảy ra giúp Trang liên hệ được với Lê Phong qua chiếc tivi. Cô ngăn Phong ra ngoài, cứu mạng cậu.

Thế nhưng, lòng tốt của Trang lại khiến cô gặp phải tình cảnh vô cùng khủng khiếp. Sáng hôm sau, Trang thức dậy tại một căn phòng xa lạ. Cún biến mất, chẳng hề tồn tại trong kí ức bất cứ ai, trừ cô. Quân đã kết hôn cùng người khác, không quen không biết Trang. Cô thay đổi cuộc đời Lê Phong và gián tiếp thay đổi luôn cuộc đời chính mình.

Sau cơn tuyệt vọng tìm kiếm con gái giữa thế giới cô bé không tồn tại, Trang dần bình tĩnh và nghĩ cách xoay chuyển tình thế. Phải làm thế nào để quay trở lại cuộc đời ban đầu của chính mình?

  Dù kịch bản Song SongMirage có đôi chỗ khác nhau, vai trò nữ chính đều rất nặng.

Trang dường như được “đo ni đóng giày” cho Nhã Phương. Cô đóng phim này lúc vừa “lên chức” mẹ, Song Song có nhiều đất cho tình cảm mẹ con. Thế mạnh của Nhã Phương là dòng phim thanh xuân, Song Song ưu ái thời lượng giai đoạn này dài hơn bản gốc. Những khoảnh khắc hồi tưởng về thời trẻ cũng là phân cảnh Nhã Phương diễn xuất tốt nhất. Đoạn mở đầu, Nhã Phương diễn còn thiếu chiều sâu, dễ làm công chúng liên tưởng đến một vài nhân vật cô từng thể hiện trên màn ảnh. Tuy nhiên, lúc Trang hoảng loạn tìm con, gào thét lạc giọng trước mặt Quân đang đối với cô như người lạ khiến người xem thật sự thương cảm. Trang không mạnh mẽ như Vera Roy – nữ chính phiên bản gốc, bù lại, nét cô đơn đau đớn của người phụ nữ bỗng dưng mất tất cả giúp Nhã Phương dễ mủi lòng khán giả hơn.

Sau Song Song, cuối tháng 4 này, Nhã Phương sẽ ngay lập tức tái ngộ công chúng trong phim mới 1990, bên cạnh hai nữ diễn viên đình đám Ninh Dương Lan Ngọc và Diễm My 9x.

Mirage, vai diễn David Ortiz– người chồng lắm bí mật do Álvaro Morte đảm nhận. Anh là gương mặt đình đám vào năm qua khi thủ vai Giáo sư trong bộ phim Money Heist đình đám. Trương Thế Vinh “cân” vai khá tốt, dù rằng so với bản gốc, đất diễn của anh bị lép vế nhiều.

Hoàng Phi, Khương Ngọc là những diễn viên được đánh giá cao về thực lực. Đáng tiếc, vì thời lượng phim chỉ có 105 phút (phiên bản gốc 128 phút), cậu bạn thân và ông giáo sư quá mờ nhạt trên màn ảnh, hoàn toàn không có điểm nhấn nào.

Ngược lại, dàn diễn viên phụ kì cựu Kiều Anh, Tiến Luật, Kiều Trinh, Mỹ Uyên dù xuất hiện ít nhưng nhờ những cảnh quay đắt giá nên làm khán giả ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt, Tiến Luật thể hiện vai phản diện rất ngọt. Đây là bất ngờ lớn bởi nhiều năm rồi anh quen mặt bằng dạng vai hài.

Điểm mạnh nổi bật của Song Song so với Mirage là âm thanh. Là phim chiếu rạp, Song Song mang đến trải nghiệm tốt hơn, khiến người xem lắm phen giật mình thon thót giữa lúc xem bộ phim tâm lí chứ không không phải kinh dị. Song Song mang tông màu lạnh. Dù nội cảnh là chủ yếu nhưng vẫn có một số ngoại quay rất thơ. Đặc biệt là những phân cảnh ở bưu điện thành phố, nơi có chiếc đồng hồ đóng vai trò mấu chốt. Ngoài ra, nhà làm phim cũng chú trọng trải nghiệm người xem, quyết tâm giấu nam chính thứ hai hoàn toàn ở các hoạt động quảng bá truyền thông vì liên quan đến cú twist quan trọng nhất phim.  

 Vì bản gốc Mirage đã quá xuất sắc, chuyển thể Song Song khó lòng so bì. Dù vậy, bộ phim cũng thành công mang đến cho công chúng một trải nghiệm điện ảnh thỏa mãn.