Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Tháng Năm Rực Rỡ: Phim Việt Remake Xuất Sắc Nhất Từ Trước Đến Nay?

[Review] Tháng Năm Rực Rỡ: Phim Việt Remake Xuất Sắc Nhất Từ Trước Đến Nay?

Giữa tình hình điện ảnh Việt khan hiếm những kịch bản hay, việc remake các tác phẩm kinh điển của nước ngoài là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, chuyển thể ra sao để hợp với người Việt là bài toán khó mà các nhà sản xuất đều phải đau đầu giải đáp. Lần này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có câu trả lời hoàn hảo trong bộ phim mới.

Tháng Năm Rực Rỡ là câu chuyện về thời thanh xuân của cô bé Hiểu Phương. Chuyển từ vùng quê Phan Rí về Đà Lạt sinh sống, cô bé bị choáng ngợp trước thành phố phồn hoa đô hội. Nỗi bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng trôi qua khi tại đây, Hiểu Phương “nhà quê” gặp được nhóm bạn “có tuổi trẻ đáng yêu nhất trên thế giới” -  Dung “đại ca”, Thùy Linh “nữ hoàng chửi thề”, Bảo Châu “đại minh tinh”, Tuyết Anh “hoa khôi” và Lan Chi “bé Mập”. Những cô bé nhanh chóng thân thiết và gọi nhau bằng cái tên Ngựa Hoang. Thế nhưng, một loạt sự cố xảy ra khiến thời cuộc đời họ chẳng còn êm đềm nữa. Để rồi, biến động thời cuộc khiến họ thất lạc nhau suốt hơn hai mươi năm.  

Là nhân vật chủ chốt cả phim, Hiểu Phương là vai hết sức nặng ký của Hoàng Yến Chibi. Đây cũng là vai nữ chính màn ảnh rộng đầu tiên từ lúc cô ca sĩ này đá chéo sân. Phương “Phan Rí” khiến khán giả yêu mến ngay từ khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện bởi chất giọng Bắc nhẹ nhàng ngọt ngào, không lẫn vào đâu được. Cảm giác xa lạ hụt hẫng khi vùng quê lên thành phố lớn, nét mộng mơ với mối tình đầu được thể hiện tròn trịa.

Hiểu Phương - Hoàng Yến vui vẻ lí lắc bao nhiêu thì Hiểu Phương trưởng thành - Hồng Ánh nền nã dịu dàng bấy nhiêu. Là ngôi sao thực lực hàng đầu điện ảnh Việt, nhân vật người vợ người mẹ dịu dàng quá dễ với Hồng Ánh. Nhà sản xuất hết sức tinh tế thêm vào chi tiết quan trọng để giải thích sự thay đổi  giọng nói người Bắc kẻ Nam giữa hai diễn viên.  

Giữ vai trò quan trọng, đại ca trường học Ha Chun Hwa từng giúp Kang So Ra giành giải Baeksang. Ở phiên bản Việt, nhân vật này do Hoàng Oanh thể hiện. Khi công bố, nhiều người hoài nghi cô hoa hậu có bề ngoài yểu điệu sẽ khó lòng đảm nhận chị đại ấn tượng trong Sunny. Thế nhưng, vượt xa sự mong đợi, Mỹ Dung của Hoàng Oanh đã lột tả xuất sắc cô gái mạnh mẽ thủ lĩnh nhóm Ngựa Hoang. Kết hợp cùng Thanh Hằng ở phiên bản trưởng thành, đây là cô gái xuất sắc nhất Tháng Năm Rực Rỡ, không kém phim hay gốc.  

Nổi danh với vẻ đẹp ngọc nữ trên màn ảnh Việt, Tuyết Anh”hoa khôi” có vẻ đẹp nữ hoàng băng giá Jun Vũ. Chỉ vài giây lướt qua khung hình trailer cũng khiến khán giả ngất ngây cô nàng chẳng thua gì nàng thơ Min Hyo Rin trong Sunny. Đây là vai diễn phá cách nhất của Jun Vũ từ trước đến nay khi Tuyết Anh đánh nhau, hút thuốc . Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ Sunny, phiên bản Tuyết Anh lúc trưởng thành do ngôi sao nổi tiếng đảm nhận.

Các tuyến nhân vật còn lại, Trịnh Thảo - Mỹ Duyên, Minh Thảo - Minh Tuyền hay Khổng Tú Quỳnh và Mỹ Uyên đều diễn hết sức tròn vai. Tuy nhiên, do hạn chế về thời lượng phim, nhân vật của họ hơi thiếu điểm nhấn. Đây là nhược điểm từ bản gốc Hàn Quốc.

Ngoài việc mời về dàn diễn viên tài sắc và thực lực, Tháng Năm Rực Rỡ còn đầu tư mạnh tay cho bối cảnh. Khán giả sẽ choáng ngợp trước đại cảnh hoành tráng tái hiện Đà Lạt trước 1975 và Sài Gòn những năm 2000. Rạp chiếu bóng, quảng trường, trường đoạn biểu tình – bạo động đỉnh cao được dàn dựng hoàn hảo. Đặc biệt, ekip làm phim còn gây ấn tượng mạnh ở phân cảnh phố đèn đỏ trên phim. Các cô gái bán hoa dù chỉ xuất hiện một phút lướt qua màn ảnh nhưng vẫn được chăm chút hết sức kỹ lưỡng. Kết hợp cùng màu phim đẹp và góc quay tinh tế, chất điện ảnh trong phim chắc chắn sẽ khiến người xem hài lòng.

Điểm trừ hiếm hoi thuộc về khâu phục trang. Hẳn các khán giả khó tính sẽ khó hài lòng trước “thời trang thập niên 70” quá hiện đại trên phim. Đặt cạnh xu hướng retro, giản dị mà cá tính trong Sunny, trang phục của nhóm Ngựa Hoang ngả lại khá rực rỡ và hiện đại.

Về nội dung, Tháng Năm Rực Rỡ chuyển thể mượt mà, thổi vào văn hóa, lối sống và loạt sự kiện lịch sử Việt Nam. Nhiều chi tiết không phù hợp với con người Việt Nam được lược bớt, nhân vật phản diện được biến đổi thành chính diện. Ekip sản xuất hết sức “chịu chơi” khi sử dụng lời thoại rất đời, rất thật. Nhân vật “nữ hoàng chửi thề” Thùy Linh chẳng ngại tuôn ra những câu chửi hết sức thực tế, hiếm xuất hiện trong phim Việt. Có lẽ, đây là cũng là lý do, dù làm về tuổi học trò, Tháng Năm Rực Rỡ bị dán mác cấm trẻ dưới 16 tuổi. Sự hài hước, trẻ trung từ Sunny được phát huy xuất sắc, nâng lên tầm cao mới.

Nhạc phim do nhạc sĩ Đức Trí sản xuất không hề thua kém bản gốc Hàn Quốc. Chắc chắn những giai điệu sôi động của Kim, Vết thù trên lưng ngựa hoang… sẽ khiến người xem chẳng thể kiềm được cảm giác phấn khích trong rạp chiếu phim.

Remake một bộ phim kinh điển từ nước khác chẳng bao giờ dễ dàng. Khác biệt văn hóa, lối sống và con người đem đến những vấn đề nan giải. Dù đã thực hiện nhiều tác phẩm, chỉ có Em Là Bà Nội Của Anh vượt qua cái bóng khổng lồ của bản cũ và đem đến cho phiên bản Việt sức sống mới. Sau Sắc Đẹp Ngàn CânYêu Đi, Đừng Sợ chưa đạt được thành công như mong đợi, Tháng Năm Rực Rỡ cuối cùng đã lấy lại niềm tin khán giả dành cho dòng phim remake.