Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Sự tha hóa của con người có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố nhưng để trở nên độc tài và tàn bạo như tổng thống Snow trong 4 phần phim The Hunger Games thì chắc hẳn phải có những biến cố vô cùng lớn. Để giải đáp cho thắc mắc đó phần tiền truyện của Đấu Trường Sinh Tử mang tên Đấu Trường Sinh Tử: Khúc Hát Của Chim Ca Và Rắn Độc sẽ là câu trả lời.
Trở lại sau 8 năm, The Hunger Games phần này lấy bối cảnh 46 năm trước khi Katness Everdeen tình nguyện viên thay em gái bước vào đầu trường. Tay tổng thống độc tài Coriolanus Snow lúc này vẫn là chàng sinh viên 18 tuổi đầy mơ mộng, ấp ủ khát khao vực dậy gia tộc Snow và kế thừa uy danh của cha mình. Trước thềm Hunger Games lần thứ 10, Coriolanus được giao vai trò cố vấn cho "vật tế" của quận 12 nữ ca sĩ Lucy Gray Baird. Trong cuộc chiến giành quyền sống, họ dần nảy sinh tình cảm, buộc Coriolanus phải lựa chọn giữa quyền lực và hạnh phúc.
Bộ phim mới có thể coi như là một nền tảng xây dựng hoàn hảo về quá khứ của kẻ phản diện bậc nhất của các phần phim The Hunger Games. Vì là một bộ phim phần nhiều xây dựng tâm lý méo mó của nhân vật, nên sẽ không có quá nhiều yếu tố hành động như các phần phim trước. Thay vào đó lần trở lại này, Đấu Trường Sinh Tử mang đến những câu chuyện khiến người xem ít nhiều phải suy ngẫm về mọi thứ. Nội dung của Đấu Trường Sinh Tử: Khúc Hát Của Chim Ca Và Rắn Độc đi theo một hướng hoàn toàn khác, đen tối hơn, bạo lực hơn so với những gì diễn ra trước đây. Trung tâm của câu chuyện là chàng Coriolanus trẻ tuổi, tham gia trò chơi với một sự xảo quyệt lạnh lùng. Phim dõi theo hành trình phức tạp của anh ta từ một người tham gia đơn thuần, một cậu thiếu niên muốn vực dậy gia tộc bị chèn ép đến kẻ chủ mưu của những kế hoạch dã man, tàn bạo. Dẫu là phim đánh nặng yếu tố tâm lý, nhưng phim đã dàn trải mạch phim cực kì tốt để người xem không trở nên luẩn quẩn và chán nản.
Thế giới của Đấu Trường Sinh Tử các phần trước luôn được đánh giá cao và Đấu Trường Sinh Tử: Khúc Hát Của Chim Ca Và Rắn Độc cũng không phải ngoại lệ. Một thế giới sần sùi gai góc với những phân biệt giai cấp rõ rệt ở nơi đây chắc hẳn sẽ không ít người hoài niệm về Húng Nhại. Phần tiền truyện khám phá một Panem vẫn chưa hoàn thiện, đang lênh đên trên bờ vực của sự mơ hồ về đạo đức. Series The Hunger Games luôn phản ánh việc sử dụng phương tiện truyền thông và sự truyền bá của xã hội về việc chấp nhận cái chết như một hình phạt, đặc biệt là cách những người giàu có tận hưởng thông qua cái chết được dàn dựng cho người nghèo. Chủ đề này tạo ra tiếng vang không mấy dễ chịu trong thế giới đương đại, phản ánh cuộc đấu tranh với "chủ nghĩa giật gân" trên phương tiện truyền thông và sự phân chia giai cấp. Dẫu có sự phồn vinh nhất định, Capital hay đấu trường của Đấu Trường Sinh Tử: Khúc Hát Của Chim Ca Và Rắn Độc vẫn còn nhiều vấn đề, cho tới khi Snow tham gia hay minh chứng rõ ràng nhất là anh ngồi trên cương vị cao nhất, Capital lẫn Hunger Games đều hoàn thiện ở mức tối đa.
Hình ảnh và màu sắc vẫn là điểm nổi bật vì nó chân thật đến từng chi tiết. Đạo diễn Francis Lawrance chủ động chọn tone màu xanh nhạt cho những khung cảnh trong phim, tạo nên nét trầm buồn, lạnh lẽo của một thế giới vô vọng ở Panem. Phân biệt giữa các quận với Captial cũng được phác họa rõ nét qua màu sắc trang phục của từng nhân vật. Ở các Quận, người dân, các trị an viên, thâm chí là người đứng đầu các quận đều mang màu sắc nhạt, kém nổi bật, thể hiện cho sự “kèo dưới”. Về phía ngược lại, màu sắc chủ đạo của Capital lại rất sặc sỡ, điển hình như đồng phục của học sinh và các trang phục của Dr. Volumia Gaul (Viola Davis thủ vai) đều mang màu đỏ rực, bày tỏ vị thế và quyền lực của giai cấp thống trị.
Về mặt diễn xuất thì ngoài những tên tuổi lớn như Peter Dinklage của loạt phim hay Game Of Thrones đình đám, Nữ diễn viên gạo cội Viola Davis,… người xem chắc hẳn sẽ đặc biệt ấn tượng với Tom Blyth trong vai tổng thống Snow thời trẻ. Sự chuyển biến tâm lý được anh phơi bày rất rõ ràng qua từng giai đoạn mà chỉ bằng ánh mắt. Được giao nhiều đất diễn, anh chàng diễn viên sinh năm 1995 đã không làm khán giả thất vọng về màn thể hiện của mình.
Rachel Zegler trong vai Lucy Grey Baird cũng có màn trình diễn tuyệt vời, đặc biệt là những bài hát của chim ca được cô tự mình góp giọng vô cùng ấn tượng. Dù có đôi chỗ hơi lép vế hơn so với nam chính, song cô vẫn phác họa nên được chiều sâu tâm lý của nhân vật chim ca. Từ một cô gái sừng sỏ, rắn rỏi vào buổi sáng đến “cô bé lùn tịt” nhút nhát và chằng chịt nỗi sợ vào ban đêm.
Vì là một phim chiếu rạp nghiêng về tâm lý là chính nên không tránh khỏi đôi chỗ dài dòng, nhưng phần lớn những điều đó để đẩy mạch phim nên nếu không phải là người hay buồn ngủ thì bạn sẽ rất thích sự phát triển này. Đấu Trường Sinh Tử: Khúc Hát Của Chim Ca Và Rắn Độc sẽ là câu trả lời hoàn hảo cho sự độc ác của tổng thống Snow. Nếu từng theo dõi những phần phim trước, hay có ít nhiều hứng thú với thể loại sinh tồn thì đây sẽ là lựa chọn hoàn hảo để đến rạp chiếu phim. Về phía còn lại, người hâm mộ của The Hunger Games sẽ le lói đôi chút hi vọng vực dậy dòng phim đã đi vào dĩ vãng này.