Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Sau buổi Triển Lãm Thế Giới năm 1967 (Expo 67), Graeme Ferguson và Roman Kroitor với niềm đam mê nâng cao trải nghiệm điện ảnh tối ưu hơn đã hợp tác để tìm giải pháp bằng cách tập trung nghiên cứu phát triển về lĩnh vực máy chiếu – màn hình. Sau đấy họ cùng Robert Kerr đã thành lập Tập Đoàn Hình Ảnh Đa Phương Tiện (tiền thân của IMAX). Từ đây, tựa phim IMAX sớm nhất được sản xuất có tên Tiger Child ra đời.
Đến kỳ Expo 70, IMAX đã giới thiệu một loạt thiết bị mới bao gồm camera, ống kính, thiết bị ánh sáng và âm thanh…, nhằm mục đích phục vụ cho việc trình chiếu trên màn hình siêu lớn. Ngoài ra bản phim của họ cũng to hơn gấp nhiều lần so với phim 35mm ở thời điểm đó. Máy chiếu IMAX khi ấy sẽ vận hành bằng cách quay cuốn phim theo chiều ngang chứ không phải chiều dọc như truyền thống. Năm 1971 rạp chiếu phim IMAX đầu tiên chính thức có mặt tại Canada.
Một cách dễ hiểu, IMAX là khái niệm mà trong đó là tập hợp hệ thống máy quay, màn hình, máy chiếu và phòng chiếu phim. Thưởng thức phim ở định dạng IMAX đem tới cảm giác sống động như thể hòa mình trực tiếp vào từng diễn biến trên màn ảnh. Tỷ lệ khung hình IMAX dao động ở mức 1,43:1 hoặc 1,9:1, kích thước màn hình có thể đạt trong khoảng 18~20m x 24m hoặc lớn hơn.
Để hình thành một thước phim chiếu rạp cần 2 yếu tố.
Trước tiên, là phim được ghi hình bằng máy quay. Có hai phần để đưa một bộ phim vào rạp chiếu phim. Tiếp theo, đem tất cả những gì đã quay chiếu lên màn hình. IMAX tập hợp 2 điều trên để dùng camera ghi lại phần hình ảnh với góc quay lớn hơn, độ sắc nét cao hơn và thông qua máy chiếu chuyên dụng để phát trên màn hình khổng lồ. Để rõ hơn, hãy tìm hiểu chi tiết về quy trình kỹ thuật trong việc làm phim IMAX.
Thuở ban đầu, những bộ phim sẽ được quay và chiếu ở định dạng 35mm. Phim 35mm (tức có bề rộng 35mm) ghi hình rồi chiếu bằng cách chạy theo chiều dọc qua camera. Cần lưu ý rằng khi diện tích bề mặt của đoạn phim càng lớn thì càng lưu trữ được nhiều thông tin hình ảnh. Bản phim của IMAX sử dụng là 70mm, do được lắp đặt vào máy chiếu và chạy theo chiều ngang (tương ứng với độ rộng 15 lỗ ~ 48mm và có chiều cao 70mm) nên cho ra khung hình lớn hơn so với phim 35mm kiểu cũ. Đấy là lý do IMAX đôi khi còn được biết đến là định dạng 15/70.
Thông số khung hình chuẩn nguyên thủy của IMAX là 1,43:1 (màn hình vuông).
Khi điện ảnh đang thay đổi từ việc quay phim bằng máy cổ điển sang máy kỹ thuật số, thì các bộ phim mới khi ra mắt tại rạp cũng được chiếu bằng file kỹ thuật số. Năm 2008, IMAX giới thiệu máy chiếu Xenon 2K được vận hành ít tốn kém hơn loại máy đời cũ. Thậm chí, máy Xenon 2K có thể linh hoạt sử dụng cho các kích cỡ màn hình tùy thuộc vào diện tích phòng chiếu.
Giờ đây, khi giới hạn ban đầu ở khung hình 1,43:1 bị phá vỡ, thì IMAX kỹ thuật số sẽ chỉ số mới là 1,90:1. Độ phân giải của hình chiếu sẽ giảm từ 12K – 28K xuống 2K.
Tháng 4 năm 2012, IMAX cho thử nghiệm máy chiếu laser 4K. Đến năm 2014, máy chiếu IMAX with Laser được xem là tối tân nhất được đưa vào hoạt động trên các hệ thống rạp toàn thế giới.
IMAX Laser sử dụng nguồn sáng laser thay thế cho bóng đèn Xenon của IMAX kỹ thuật số trước đây. Tốc độ khung hình 60fps cùng độ sáng được nâng cấp gấp đôi giúp phần hình ảnh rõ nét trong suốt như pha lê. Ngoài ra, định dạng IMAX Laser còn đi cùng hệ thống loa 12 kênh để đạt được chất âm chân thật và sinh động tuyệt đối.
Các nhà làm phim sẽ luôn nắm rõ những quy tắc về thông số định dạng khung hình, từ đó tìm ra góc quay phù hợp nhất cho từng phân đoạn trong kịch bản. Bởi lẽ, so với việc quay bằng máy 35mm thì cảnh phim được quay bằng máy IMAX sẽ có phần hình ảnh rộng hơn, bao quát được nhiều chi tiết xung quanh hơn.
Có thể thấy rằng việc xem phim ở định dạng IMAX hay IMAX Laser gần như đồng nghĩa với việc có cơ hội hóa thân và bước vào thế giới điện ảnh đầy huyền ảo.
The Dark Knight là một trong những phim đầu tiên trong lịch sử dùng máy IMAX để ghi hình (6 phân cảnh với tổng thời lượng 28 phút được quay bằng máy IMAX). The Tree Of Life hay Transformers: The Last Knight cũng được các đạo diễn chọn lọc một số đoạn quay bằng công nghệ IMAX.
Tuy vậy chi phí quay phim IMAX cũng là vấn đề đáng ngại, camera IMAX trị giá có thể lên đến 500.000USD. Một sự thật thú vị là Christopher Nolan từng làm hỏng 3 chiếc máy quay IMAX có giá trị tương đương với con số vừa được nhắc đến. Cũng bởi vì thuộc “mặt hàng đặc biệt” nên những ekip làm phim chỉ có thể thuê mà không thể mua hẳn camera IMAX. Giá thuê được tính theo ngày với mức từ 10.000USD – 16.000USD.
Một điều cần lưu ý nữa chính là máy quay IMAX có nhược điểm khá ồn trong lúc hoạt động. Dẫn đến khó khăn trong việc thu âm tiếng động hoặc thoại của diễn viên tại phim trường. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ phim khi quay trong camera IMAX sẽ nhanh hơn máy 35mm thông thường, tạo ra tiếng kêu như xe máy phân khối nhỏ.
Dù cho mối lo ngại về kinh phí sản xuất phim IMAX vẫn còn đó nhưng các nhà đầu tư đã dần cân nhắc và mạnh dạn chi tiền nhiều hơn để tài trợ mỗi khi nhận thấy có dự án tiềm năng. Thành công vang dội tại phòng vé của Oppenheimer cho thấy đây là thị trường đầy hứa hẹn. Khán giả hiểu rằng công nghệ IMAX giúp họ tiếp cận điện ảnh theo cách hoàn toàn mới. Không đơn thuần là giải trí, người xem gần như bị mê hoặc khi bước vào “thánh đường nghệ thuật” đầy ấn tượng được ví như kỳ quan điện ảnh mang tên IMAX.
Trong năm 2024, IMAX dự kiến phát hành phiên bản máy chiếu IMAX thế hệ mới, đã được chỉnh sửa và thiết kế dựa trên các ý kiến đóng góp từ nhiều chuyên gia.
Điều này được dự đoán có thể giúp cho định dạng IMAX trở nên phổ biến rộng rãi và việc thực hiện các tác phẩm IMAX cũng sẽ không còn quá đắt đỏ. Cùng chờ xem liệu sự cải tiến lần này của IMAX, có trở thành cuộc cách mạng đáng nhớ đối với ngành công nghiệp phim ảnh hay không!