Khởi đầu cho sự chấm dứt thời kỳ phim câm của điện ảnh chính là việc The Jazz Singer (1927) – phim có tiếng đầu tiên được ra mắt. Bước vào thập niên 30, những ngày tháng hoàng kim của Hollywood từ đây bước vào chặng đường lưu danh lịch sử. Đây cũng chính là vùng trời của những cô đào tóc bạch kim kiêu kỳ, quyến rũ và các quý ông điển trai, lịch lãm với khí khái nam nhi vút trời.
(Casablanca - 1942)
Bên cạnh việc phát triển của kỹ thuật thu thanh đồng bộ, phần hình ảnh cũng ghi nhận bước chuyển biến đáng chú ý. Từ thập niên 20 trở về trước, hầu hết các xuất phẩm khi trình chiếu đều ở định dạng trắng đen. Tuy nhiên công nghệ ứng dụng màu sắc đã bắt đầu được nghiên cứu và áp dụng vào vài tựa phim. Lúc đầu chỉ bao gồm thông số của hai dãy màu (nhị sắc hoặc song sắc). Tác phẩm nổi bật đánh dấu thành tựu của việc sử dụng song sắc là The Black Pirate (1926) – ngoài trắng đen thì phim có kèm thêm sắc đỏ.
Đến gần cuối những năm 30, việc Walt Disney phát hành phim hoạt hình màu Nàng Bạch Tuyết Và 7 Chú Lùn được xem như là điểm nhấn của việc triển khai hình ảnh đa sắc.
Bộ phim kinh điển The Wizard Of Oz (1939) và tuyệt tác Gone With The Wind (1939) chính là những viên gạch đầu tiên cho kỷ nguyên phim màu tại Hollywood.
Thập niên 40 cũng là thời điểm Thế Chiến Thứ II đang nổ ra. Hiển nhiên ngoài các nước như Anh – Đức – Pháp và Nhật thì Mỹ vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể. Từ một nước trung lập đứng ngoài cuộc và thu lợi từ việc bán vũ khí, sự kiện Trân Châu Cảng nổ ra đã thay đổi tất cả.
(The Black Pirate - 1926)
Tình hình thời chiến ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp phim ảnh. Dẫu vậy các đạo diễn và nhà sản xuất vẫn chạy theo thời thế, cho ra đời nhiều thước phim cổ động, phim tài liệu nhằm mục đích nâng cao khí thế cho người lính. Nhiều diễn viên cũng lên đường nhập ngũ, tất cả công cuộc chạy đua vũ trang từ vật chất đến tinh thần đều huy động tối đa nguồn lực.
Song hành với những anh hùng cao bồi cổ điển miền Viễn Tây, đề tài chiến tranh cùng hình ảnh người lính cũng là gương mặt thân quen với điện ảnh Mỹ lúc này.
Dòng phim thuộc thể loại chiến tranh được ra mắt tại các rạp chiếu phim thời kỳ này có nội dung lãng mạn hóa chủ nghĩa người hùng và thêm vào sự cường điệu. Bên cạnh đó, nhà làm phim cũng khai thác mặt tối và sự thật đầy nỗi đau của chiến tranh mang lại. Trong tình cảnh hỗn loạn như thế, nếu không phải là câu chuyện tình lay động lòng người thì phải nói về một cá nhân nào đấy có xuất thân đơn giản những động cơ và hành vi lại có tầm vóc lớn lao.
Những cái tên tiêu biểu gồm Mrs. Miniver, Watch On The Rhine…Tất nhiên không thể bỏ qua một trong những phim hay nhất mọi thời đại Casablanca (1942).
Casablanca gây ấn tượng bởi chuyện thế kỷ giữa Rick Blaine và Ilsa Lund. Những câu thoại sâu sắc, giai điệu da diết của As Time Goes By…, mọi thứ được sắp đặt hoàn hảo dưới bàn tay đạo diễn Michael Curtiz. Humphrey Bogart cũng nhờ vai Rick mà trở thành sao hạng A. Cô nàng Ingrid Bergman thì lập tức trở thành nữ minh tinh thế hệ mới.
(Snow White And The Seven Dwarfs - 1937)
Năm 1940, Vua hài Charlie Chaplin cũng cho ra đời một trong những tuyệt phẩm của ông The Great Dictator. Đặc biệt hơn nữa đây còn là phim có tiếng đầu tiên của Chaplin từ sau Modern Times (1936). Có cốt truyện có phần trào phúng, châm biếm những nhà chính trị như Adolf Hitler và chế độ hiện hành như chủ nghĩa Phát Xít, The Great Dictator có thể coi là một phim nghiêng về Black Comedy.
Sau khi Thế Chiến Thứ II kết thúc, lúc này điều mà truyền thông - văn hóa cần làm chính là “tái khởi động” những điều tích cực, chăm sóc “vết thương” do chiến tranh để lại. Để loại bỏ nỗi sợ và sự đau buồn, phim ca nhạc chính là nguồn tài nguyên giải trí cần thiết nhất. Từ nhạc kịch Broadway cho đến các bộ phim chiếu rạp, chủ đề nhạc kịch luôn gợi nên sự hứng thú cho người xem. Doanh thu phòng vé đạt thành tích khả quan đáng kể.
Cũng trong giai đoạn này, phim Noir xuất hiện với việc khắc họa những góc khuất, mặt xấu của xã hội. Được cho rằng là sự biến hóa từ các phim gangster cũ ở thập kỷ 30, thế giới trong phim Noir thường là một vùng đất hỗn loạn. Tất cả tệ nạn và những vấn đề về nhân sinh quan – thử thách về đạo đức và lòng tin của con người, đều được phản ánh dưới cái nhìn bi quan. Tại chốn tăm tối đấy, sẽ có một nhân vật thuộc vùng xám, không hẳn là trắng nhưng cũng chẳng hề đen. Tuýp vai diễn như vậy sẽ là mẫu người nhận trọng trách đứng lên vì công lý. Đôi khi đấy không hẳn là kiểu nhân vật chính diện, miễn là lý tưởng vẫn thuộc về thông điệp mà phim hướng đến. Đây chính là hình tượng phản anh hùng trên màn ảnh.
(Scarface -1932)
Nhiều bộ phim được ra đời với chất lượng nghệ thuật cao, kịch bản chăm chút kỹ lưỡng, hàng loạt ngôi sao màn bạc tỏa sáng, cuộc cách mạng về phong cách kể chuyện, kỹ thuật dựng phim…, mọi thứ đều giúp Hollywood đạt tới đỉnh cao rực rỡ.