Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Blog điện ảnh / Ký Sự Điện Ảnh - Kỳ 21: Phiếm Phim Đầu Năm, "Fun" Cả Năm

Ký Sự Điện Ảnh - Kỳ 21: Phiếm Phim Đầu Năm, "Fun" Cả Năm

Là một ngày đầu năm 2023, sau khi no bụng với bữa ăn khoái khẩu thì hiển nhiên điểm đến tiếp theo là một nơi nào đấy, ngồi nhâm nhi tí nước để có thể dễ dàng “tám” đủ thứ việc trên đời.

Thế thì chắc chắn hôm nay sẽ chỉ là một buổi trò chuyện phiếm về phim ảnh, về cô diễn viên xứ A, về anh tài tử nước B, về ông đạo diễn chỗ C…

Năm 2022 rạp chiếu phim có gì?

Nhiều thứ lắm, hỏi như vậy chung chung quá! Sơ sơ thì thấy cũng là có tuyệt phẩm lẫn phế phẩm.

Trên dưới 10 năm gần đây thì nhiều người bảo thế giới chỉ quan tâm siêu anh hùng. Cứ vài ba mét vuông sơ hở tí là người hâm mộ của hãng M lại cãi nhau với hãng D. Rồi thì năm nay cũng có kha khá những cái tên được cho rằng “đáng mong đợi”. Ừ thì cứ làm mấy cái dạng phim kiểu “công viên giải trí” đấy thì doanh thu dẫu có tệ, cũng là tệ nhất trong danh sách tốt nhất.

“Hết thời rồi!” – xứng đáng làm một trong những từ khóa quen thuộc nhất năm 2022. Tại sao lại nói như kia chứ?

Người xem trưởng thành hơn nên nhận thức đã khác.

Mô tuýp quá quen thuộc, dựa trên tài nguyên sẵn có nên không còn tính bất ngờ.

Do thiếu đi nhân vật yêu thích nào đó nên dù có làm tốt cỡ nào vẫn bị chê.

Nội dung dành cho trẻ con, kỹ xảo càng lúc càng xuống cấp.

Còn nhiều ý kiến khác nữa. Vậy phe ủng hộ nói gì?

Đây chỉ là bước đệm cho giai đoạn chuyển mình mới. Cứ chờ xem.

Do quá khắt khe thôi, thật sự coi vẫn rất ổn. Có chiều sâu và đáp ứng được tính giải trí.

Studio lớn thì họ làm gì cũng tính toán hết rồi, rồi họ sẽ tung “át chủ bài” ra.

Do năm nay cùng lúc nhiều anh hùng ra rạp quá, bị ngán nên mới chê thế thôi.

Lời góp ý từ 2 phía đều có đúng có sai.

Không phải ngẫu nhiên các nhà làm phim lão thành lại có cái nhìn không mấy thiện cảm về dòng phim siêu anh hùng. Ở mặt nào đấy, sự sáng tạo của điện ảnh thật sự đã bị giới hạn bởi cái gọi là “chuyển thể từ truyện tranh”. Live-action thực chất chỉ là dùng người thật, phông xanh rồi mô tả lại những thứ có sẵn ở comic. Vậy tác hại của nó khôn lường đến nhường nào?

Diễn viên sẽ dần lười đi, họ không nhất thiết phải nghiên cứu kịch bản thật kỹ, không cần chuẩn bị để đi sâu vào nội tâm nhân vật. Vài ba biểu cảm đơn thuần, múa may các thứ, phần còn lại CGI lo tất. Đạo diễn thì cũng bớt phải vắt óc suy nghĩ bối cảnh thế nào, nhẹ đi gánh nặng chất xám dành cho kịch bản, tạo thêm nhiều góc máy mới hoặc khung hình đậm tính nghệ thuật thì cũng cho qua được. Chỉ cần tham khảo truyện gốc, thêm thắt vào vài chỗ, thương lượng với siêu sao nào đó để quay vội vài giây cho đến vài phút “cameo”. Sau tất cả thì bỏ nó vào cuối phim để nhận về sự hò reo tán thưởng. Thậm chí là dàn dựng một tí trailer “cho vui” để đám đông bàn tán, tạo hiệu ứng truyền miệng trước để họ quảng cáo hộ cho tác phẩm.

Nào nào, nói thế hơi quá. Phải nhớ rằng những người đấy là diễn viên nổi tiếng tầm thế giới. Họ là sao hạng A ở Hollywood, cái gọi là “biểu cảm đơn thuần” đấy coi vậy chứ không phải dễ làm. Còn nữa, diễn với cái phông nền và không khí bộ dễ lắm sao. Nó cần kích thích rất nhiều trí tưởng tượng, thế mà các siêu sao ấy vẫn diễn như thật đấy. Thử là người khác xem, thế nào cũng bị gượng ngay!

Nhờ có họ mà người ta yêu thích nhân vật đấy hơn. Không cần bàn đến diễn hay hoặc diễn dở, chỉ cần khán giả nhìn thấy được bản thân họ trong phim,  họ được truyền cảm hứng, xúc động rơi nước mắt vì tình tiết nào đấy…, thì đó là cái tài của diễn viên và cái tầm của bộ phim. Nhiều phim cứ được ca tụng lên mây xanh, nhận về vô số giải thưởng, thế mà xem xong chẳng chạm được vào trái tim, không đồng cảm được, không hiểu được…, thì đấy vẫn là thua phim siêu anh hùng.

Thôi thì vẫn cứ đợi xem năm 2023 này, cú chuyển mình mới sẽ đem đến luồng gió tươi sáng nào cho thể loại phim đang gần như thống trị ngành công nghiệp phim ảnh toàn cầu.

Nói tới vụ thống trị thì cũng phải nhắc là trong năm 2022, phim rinh về nhiều tiền nhất lại đến từ một ông chú 60 tuổi!

Hơn 30 năm trước ông chú này vẫn còn là chàng thanh niên bảnh trai (à thì thật ra đến vẫn lịch lãm cuốn hút lắm), có cơ hội tham gia vào trường không quân khét tiếng của lực lượng hải quân Hoa Kỳ và trở thành người có thành tích vĩ đại nhất. Sau nhiều năm thì cựu học viên xuất sắc kia, lại một lần nữa phi máy bay lộn mèo giữa vòng vây địch. Không những bắn hạ được đối thủ, Top Gun: Maverick bắn thẳng vào bảng danh dự ở vị trí TOP 1 phòng vé.

Cũng cần lưu ý là không phải cứ chọn bừa cuốn phim kinh điển nào đấy, rồi đợi thời gian trôi qua thật lâu để cho ra đời phần nối tiếp là sẽ thành công. Suỵt, nói đến đây thôi, kẻo có ai đó lại lôi cái thế giới kèm mấy dòng mã được tạo nên bằng công thức sushi ra để lắc đầu ngao ngán nữa.

Bàn luận chuyện xứ người nhiều quá cũng chán, vậy thì quay về nội địa cho đổi không khí vậy.

Ui nè, phim trong nước năm ngoái hơi bị nhiều nhé. Ngưng tí, có phải định bảo là “nhưng chất lượng thì…”, phần chỗ trống kia thì để cho công chúng nhận xét mới công bằng chứ.

Từng nói rồi đấy, sau trận dịch lớn thì thói quen xem phim của phần đông đều có thay đổi ít hoặc nhiều. Rảnh rỗi ở nhà khi không thể ra đường thì chỉ có đọc sách, chơi điện tử, nghe nhạc, xem TV. Các nền tảng trực tuyến hoạt động tối đa công suất, chủ nhân của những tài khoản ấy thì tha hồ xem đủ thứ, việc làm này vô tình như là tập luyện kỹ năng xem phim, đồng thời rèn luyện kỹ thuật cảm thụ phim mà không cần tốn chi phí học bên ngoài.

Vậy nên khi có dịp xem các phim do nước nhà sản xuất, chẳng biết do vô tình hay cố ý mà sự khắt khe sẽ càng tăng cao hơn. Thật ra là đang “xem” hay chỉ thích “soi”? Điều này khó trả lời lắm.

Nhiều khi cứ lên tiếng là nhân danh công lý, vì chính nghĩa, xả thân hy sinh xem phim trước để viết ra những lời bình luận có tâm nhất dành cho phim Việt. Nhưng thật ra cũng chỉ là thùng rỗng kêu to, chỉ muốn thỏa mãn thói chà đạp lên công sức của đoàn làm phim. Nào là thông điệp như kiểu “tớ sẽ giúp cậu bảo vệ túi tiền, không để lãng phí”. Nhiều khi chỉ đơn giản thấy phim Việt là cứ phải “gạch đá” trước, còn lại tính sau. Chả có giúp đỡ gì ở đây cả!

Cũng may là người văn minh sẽ không dễ bị dắt mũi, và hội “chê ra chê – khen ra khen” vẫn còn đấy. Họ đưa ra đúng trọng tâm những ưu điểm và chỉ đúng vấn đề khuyết điểm. Nói chung là ở đâu cũng sẽ có người này, người kia. Nên cũng không cần quá bận tâm.

Ai đấy bảo rằng phim Việt năm trước quá tệ, lợi dụng thời bình ổn để xả hàng “dạt” ra. Gánh chịu vẫn là những người bỏ tiền mua vé rồi nhận về sự tức giận.

Nặng lời quá rồi, chẳng phải vẫn có vài tựa phim nổi bật đấy thôi. Đâu nhất thiết là chỉ có người Việt mới làm được phim Việt chất lượng tốt, nào phải cứ phim Việt chuyển thể từ văn học là luôn tệ, càng chẳng phải phim Việt chỉ nên theo hướng hài chứ đừng là kinh dị hay hành động gì nữa. Trong mớ hỗn độn tiêu cực kia, vẫn còn vài tia sáng đầy lạc quan cho điện ảnh Việt mà!

Nhưng đúng thật là người tiêu dùng có quyền lên tiếng phản ánh khi gặp phải sản phẩm kém, không hay như quảng cáo. Nhưng trách ai bây giờ?

Tại sao vị đạo diễn đó, nhà sản xuất kia lại can đảm làm ra những thứ tệ đến như thế? Họ không tôn trọng những người ngồi trong rạp hay họ thật sự nghĩ rằng phim đấy không đến nỗi nào?

Cũng có khi thật vậy đấy. Cứ tung hô quá lố, xã giao quá trớn, chẳng ai dám góp ý thật lòng, hở tí là lại nhờ vả “thế lực” được tín nhiệm nào đấy để nói không đúng sự thật. Dần dần nhiều nhà làm phim tưởng tài năng mình vươn đến tầm thế giới, nên quay sang phán xét khả năng thẩm định nghệ thuật của người ngoài ngành là yếu, là chẳng biết gì mà chỉ toàn nói vớ vẩn.

Không hiếm những biên kịch chỉ có ý tưởng gói gọn trong 3B: bết, bèo, bậy thông qua từng phim. Những đạo diễn rực rỡ nhờ vay mượn, chỉ biết định nghĩa mỗi thước phim bằng giá trị sáo rỗng bề ngoài, đẹp – sang – xịn nhưng cốt lõi tinh thần tổng thể lại vô nghĩa. Những diễn viên không trau dồi kỹ thuật, miệt mài lao động ở nhiều chương trình truyền hình, nhưng khi đứng trước ống kính lại rất sợ xấu…, cứ mắc kẹt với tư duy ảo tưởng lười biếng như thế thì điện ảnh Việt vẫn sẽ bị công kích hoài.

Nhưng ngược lại, cũng có những cái đầu cực kỳ nhạy bén, am hiểu và có vốn kiến thức rộng về điện ảnh. Thế nhưng họ vẫn chọn thực hiện những phim từ trung bình yếu đến thảm họa. Chung quy cũng vì đồng tiền thôi. Có phải mạnh thường quân hay nhà hảo tâm đâu mà cứ mãi làm ra thứ mà quá nghệ thuật, quá cao siêu đến mức chẳng ai muốn xem. Thôi thì cứ tạm gác qua hoài bão vĩ đại, bỏ qua cái tôi nghệ sĩ, cắn răng mà làm những gì nhà tài trợ muốn. Vậy chứ tuy biết sẽ bị chỉ trích, nhưng họ nhận thức được một điều rằng: cứ mắng, cứ la nhưng người người vẫn cứ đặt vé liên tục.

Đấy, giờ thì không còn là đạo diễn này, nhà sản xuất nọ nữa, mà nó liên quan đến chính những người xem phim phổ thông. Mệnh đề nghi vấn được đặt ra là: Làm phim ở Việt Nam dễ hay khó?

Chiều lòng các “thượng đế” không bao giờ là chuyện đơn giản. Chẳng có quy tắc gì có thể liệt kê ra để giới hạn phân loại của các cá nhân xem phim. Họ là một tập thể rất đông, được chia thành các nhóm nhỏ, và cứ mỗi nhóm như vậy là có thiên biến vạn hóa từng suy nghĩ khác nhau về cách thưởng thức phim. Như vậy trải nghiệm của từng người vốn dĩ đã không đồng nhất, phim thắng lớn đôi lúc lại nằm ngoài dự đoán, phim thất bại có khi lại chẳng ai nghĩ đến là nó sẽ có kết cục bi thảm như vậy. Thị trường biến động như thế, có là “chuyên gia đọc lệnh” phi phàm, thì khó mà đu đỉnh, làm sao mà bắt đáy. Khó nói lắm!

Xét ra phim Việt cần sự kiên nhẫn để đánh giá, vì con đường phía trước vẫn còn dài. Chập chững đi cho vững rồi mới tới được giai đoạn “dậy thì”, cuối cùng là trưởng thành hướng đến quốc tế. Chỉ vì một vài con sâu mà phải đổ cả nồi canh thì ai cũng biết. Nhưng sâu thì mãi chẳng diệt hết đâu, điện ảnh xứ nào cũng tồn đọng vài ổ sâu như thế. Cái cần thiết là sự công tâm với nồi canh, nồi nào có sâu thì đừng để ý nó, phim được làm với tâm huyết nghiêm túc vẫn luôn có mặt tại phòng chiếu.

Nói chi xa, 2023 mới chỉ trôi qua tuần đầu tiên. Còn hơn 350 ngày nữa cơ mà, còn nhiều nhân tố bí ẩn đợi chờ lắm, còn hàng tá phim hay đáng tận hưởng. Đón một cái Tết thật vui vẻ bên gia đình, bạn bè, người thân, cùng hưởng thụ những giây phút thư giãn quý báu sau một năm vất vả, vui vẻ và may mắn sẽ đến thôi.

Rồi thì…, coi nào! Đặt vé xem phim với cả xuất hành hái lộc năm mới đi chứ!