Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Blog điện ảnh / Top Các Phim Gangster Xuất Sắc Nhất

Top Các Phim Gangster Xuất Sắc Nhất

Thể loại phim gangster đã từng có một thời kỳ huy hoàng trong quá khứ trước khi phần trình diễn của các siêu anh hùng thống lĩnh màn ảnh như hiện nay. Bắt đầu xuất hiện xuyên suốt trong thập niên 30, từ các phim Noir chủ đề xoay quanh tội phạm cho đến những tác phẩm về băng nhóm Mafia luôn có sức hút đối với đại chúng.

Hàng loạt tựa phim nổi bật có thể kể đến như Scarface (1932), Al Capone (1953), Mean Streets (1973), The Untouchables (1987), Carlito’s Way (1993), Donnie Brasco (1997), American Gangster (2007)….

Đặc biệt trong giai đoạn thập kỷ 70-90, nhiều cái tên đã vụt sáng thành sao hạng A khi tham gia hóa thân vào vai các tay “anh chị” có máu mặt. Hãy cùng điểm lại những bộ phim gangster kinh điển của Hollywood:

The Godfather (1972)

Bố Già dường như là cái tên quen thuộc nhất mỗi khi nhắc đến hình ảnh Mafia. Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo, phim khắc họa về đế chế tội phạm mà Bố Già Vito Corleone gầy dựng nên và sự kế thừa sự nghiệp gia tộc của cậu con trai Michael Corleone.

Được phát hành năm 1972 và phần II ra mắt vào năm 1974, phần III trình chiếu năm 1990. Cả hai phần đầu của The Godfather đều đoạt Oscar ở hạng mục Phim Hay Nhất và luôn nằm trong danh sách những phim hay nhất mọi thời đại. Ngoài sự thể hiện xuất sắc của Marlon Brando trong vai Vito Corleone, tác phẩm cũng là bệ phóng đưa tên tuổi của hai diễn viên Al Pacino (Michael Corleone) cùng Robert De Niro (Vito lúc trẻ) vang danh khắp nơi.

Dự kiến tháng 12.2020, phần III của The Godfather sẽ được tái phát hành ở định dạng 4k. Trong phiên bản mới lần này, đạo diễn Francis Ford Coppola chia sẻ rằng ông đã chỉnh sửa đôi chỗ ở đầu phim và đoạn cuối. Thông tin này càng làm fan hâm mộ của dòng phim Bố Già thêm háo hức đón chờ sự trở lại của một huyền thoại.

Scarface (1983)

Nếu Michael Corleone là một người hùng chiến tranh lương thiện, do hoàn cảnh đưa đẩy nên dần trở nên đầy lạnh lùng và nhẫn tâm, thì Tony Montana trong Scarface đích thực là một con quái vật ẩn mình sẵn sàng vươn mình thành chúa tể.

Thập niên 70 là thời gian rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Al Pacino khi ông liên tục gây ấn tượng trong The Godfather, Serpico, Dog Day Afternoon..., đồng thời nhận hàng loạt đề cử Oscar. Nhưng đến thập niên 80 thì số lượng tác phẩm chất lượng có sự góp mặt của nam diễn viên lại trở nên hiếm hoi. Scarface của đạo diễn Brian De Palma chính là chiếc “xe cứu hộ” giúp ông vực dậy tiếng tăm.

Được chấp bút bởi Oliver Stone, Scarface khắc họa cuộc đời của tay du côn gốc Cuba nhập cư sang Mỹ - Tony Montana (Al Pacino). Gã ta cùng người bạn Manny của mình đã liên tục tham gia vào các phi vụ phạm pháp để hoàn thành giấc mơ giàu sang tại nước Mỹ, nơi mà họ xem là thiên đường.

“Tại đất nước này, đầu tiên mày phải có tiền, khi mày có tiền thì sẽ có quyền lực, lúc đã có quyền lực trong tay thì mấy con ả sẽ tự động mò tới mày.”

Quyền lực đã khiến Tony Montana trở nên ngày càng liều lĩnh hơn, đáng sợ hơn. Các cảnh hít ma túy xuất hiện dày đặc trong phim. Loạt câu thoại chất lượng đi kèm cơ ngơi tại ngôi biệt thự xa hoa dát vàng của Tony tại Miami cũng trở thành nguồn cảm hứng và là biểu tượng trong văn hóa đại chúng, đặc biệt là giới hiphop.

Scarface cũng là bàn đạp góp phần đưa cô đào trẻ Michelle Pfeiffer đầy triển vọng trở nên nổi tiếng. Chính Al Pacino từng nói rằng trong các vai diễn mình đã tham gia, ông thích nhất là nhân vật Tony Montana. Hình ảnh gã ta cuồng loạn với màn đấu súng cuối phim được xem là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trên màn ảnh.

Once Upon A Time In America (1984)

Nếu ví The Godfather là một thế giới tội phạm mang âm hưởng Shakespeare, thì Once Upon A Time In America có thể xem là bản sử thi anh hùng ca hùng vĩ của những tên gangster gốc Do Thái.

Bốn cậu nhóc Noodles, Max, Patsy và Cockeye đều là những thanh niên đầu đường xó chợ. Họ đã cùng nhau lập thành băng đảng và chính thức khởi nghiệp bằng việc phạm tội từ khi còn nhỏ. Tất nhiên còn nhỏ làm việc nhỏ thì khi lớn phải làm việc lớn. Các phi vụ của nhóm càng lúc trở nên táo bạo, mang quy mô lớn hơn. Sự trưởng thành và thay đổi trong tính cách đã dẫn đến những mâu thuẫn ở họ, từ đây câu chuyện về tội ác, tình anh em, tình yêu cùng sự phản bội là chủ đề gây ám ảnh suốt cả phim.

Sự vĩ đại của Once Upon A Time In America tưởng chừng đã bị tước đoạt một cách tàn nhẫn khi lần đầu ra mắt tại Mỹ vào năm 1984. Nguyên nhân là bởi bản dựng của phim có độ dài hơn 8 giờ đồng hồ, sau đấy đạo diễn Sergio Leone – người được mệnh danh là vua của loại phim miền Viễn Tây đã chỉnh sửa lại để thời lượng của phim còn 6 tiếng. Tuy nhiên do chịu sự phản đối từ phía sản xuất nên ông quyết định biên tập lại cho ra bản phim cuối cùng với tổng thời gian 229 phút (tương đương gần 4 giờ).

Thế nhưng khi phát hành tại các rạp chiếu phim ở Mỹ, Once Upon A Time In America lại một lần nữa bị cắt xén chỉnh sửa chỉ còn 144 phút. Điều này khiến cho nội dung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khán giả và nhiều nhà phê bình nhận xét phim là một thảm họa. Mãi cho đến khi bản phim 229 trình chiếu ở Liên hoan Cannes và về sau được nhiều người xem lại, thì tác phẩm mới nhận vô số lời khe cùng những đánh giá tích cực một cách công bằng

Robert De Niro đã một lần nữa cho thấy khả năng diễn xuất thần sầu của mình với ánh mắt điêu luyện, mọi cung bậc cảm xúc đều được ông truyền tải trọn vẹn. Ngoài ra nữ diễn viên Jennifer Connelly khi ấy mới 14 tuổi, cũng có được vai diễn ấn tượng đầu tiên trong sự nghiệp.

Ngày nay, những khúc nhạc day dứt và giai điệu ám ảnh đến từ nhà soạn nhạc vĩ đại Ennio Morricone thỉnh thoảng lại vang lên, người ta lại nhớ đến ngay Once Upon A Time In America. Hình ảnh của Nước Mỹ Ngày Xưa hiện ra như minh chứng cho sự vĩ đại của một trong những phim gangster hay nhất lịch sử.

Goodfellas (1990)

“Những điều cũ nhất mà tao có thể nhớ chính là việc mình luôn muốn trở thành một tay anh chị. Đối với tao, làm xã hội đen còn ngầu hơn là làm Tổng thống Mỹ.”

Câu thoại mở đầu vô cùng ấn tượng ấy sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới của những tay chơi đúng nghĩa. Một nơi mà sự trần trụi, chân thực nhất của bọn gangster bị phơi bày. Ở đấy chúng đối xử với nhau bằng sự trọng tình nghĩa, không phản bội và luôn giữ im lặng khi bị cớm tóm. Goodfellas được đạo diễn Martin Scorsese chuyển thể từ tiểu thuyết Wiseguy. Ba nhân vật chính gồm Henry (Ray Liotta), Jimmy (Robert De Niro) và Tommy (Joe Pesci) là những tên du côn phạm tội như cơm bữa. Từ đánh cắp, ma túy, vũ khí, thanh trừng…, món nào cũng có mặt của chúng.

Khác với hình tượng Mafia có phần lãng mạn của The Godfather, những tay côn đồ trong Goodfellas được khắc họa với bản chất gần gũi và sống động hơn. Cả bọn đều có thể làm hình mẫu cho bất cứ tên anh chị nào được nhắc đến trong phim ảnh. Câu thoại của Jimmy đã chứng minh sự manh động ấy “Mày có thể từng nghe về bọn tao, nhưng bọn tao thì biết rất rõ về mày. Hiểu chứ!”.

Được nhận xét là phim gangster hay nhất chỉ sau The Godfather, tác phẩm được đề cử Oscar cho hạng mục Phim Hay Nhất. Với vai diễn Tommy nóng nảy, điên rồ, diễn viên Joe Pesci đã nhận giải Nam Phụ Xuất Sắc.

Xuyên suốt phim là những phần thể hiện ngẫu hứng của các diễn viên. Scorsese quan sát họ tập dợt thoại, sau đấy ghi chú những chi tiết phát sinh thú vị trong quá trình ấy và giữ nguyên khi quay. Nhờ vào dàn diễn viên tài năng cùng kịch bản xuất sắc, Martin Scorsese đã tạo ra Goodfellas - siêu phẩm gangster của mọi thời đại.

The Irishman (2019)

Là tác phẩm hiếm hoi và có lẽ là cuối cùng lấy đề tài thế giới ngầm trong thập kỷ 2010, The Irishman mang ý nghĩa như một câu chào tạm biệt, lời tri ân đối với các fan hâm mộ trung thành của dòng phim.

Được nhận xét là “Thiên sử thi dòng phim băng đảng”, suốt hơn 3 giờ đồng hồ, The Irishman đưa khán giả dõi theo hành trình của một gã đao phủ từ thời kỳ đầu cho đến những ngày cuối cuộc đời.

Dựa trên quyển sách I Heard You Paint Houses, chuyện phim nói về nhân vật có thật tên Frank Sheeran (Robert De Niro) – một sát thủ chuyên giết thuê từng tung hoành suốt giai đoạn thập niên 50-60. Mối quan hệ của Frank cùng gã bằng hữu Jimmy Hoffa (Al Pacino) và sự biến động của tình hình chính trị - xã hội Mỹ khi ấy là yếu tố đem đến sự hấp dẫn cho phim.

Quy tụ thế hệ đại thụ lừng lẫy như Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci..., đạo diễn Martin Scorsese lại một lần nữa khẳng định cho thế giới thấy điện ảnh do ông tạo ra tuyệt vời như thế nào.

Có thể tiết tấu và mạch phim của The Irishman không dễ thưởng thức, nhưng khi đã kiên nhẫn dành thời gian trải nghiệm thì công sức ấy hoàn toàn được đền đáp xứng đáng.

Robert De Niro vẫn đa sầu đa cảm với ánh mắt đượm buồn cùng nụ cười ngạo nghễ, Al Pacino trong lần đầu hợp tác với Scorsese đã đem lại một màn trình diễn trên cả tuyệt vời, còn Joe Pesci dù đã giải nghệ, nhưng bằng sự chân thành của mình nên đạo diễn đã thuyết phục được ông quay lại. Và rồi ông trùm Russell Bufalino điềm tĩnh lạnh lùng qua màn thể hiện của Joe Pesci đã khiến nhiều người khó tin được đây từng là gã giang hồ Tommy đầu nóng như lửa trong Goodfellas.

Tuy ra mắt ở vai trò như “hậu bối”, nhưng The Irishman sẽ còn được nhắc mãi, và hoàn toàn xứng đáng đứng vào hàng ngũ những phim băng đảng xuất sắc nhất lịch sử phim ảnh.